Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: thị trường ấm, có thể mua nhà
Thùy Liên - 11/06/2013 14:07
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có báo cáo trả lời trước Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII. Theo Bộ trưởng, thị trường nhà đất đang có dấu hiệu ấm lên và đây là thời điểm tốt để mua nhà.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Phá băng bằng nhà ở xã hội

Nhiệm vụ nặng nề nhất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong Nghị quyết chất vấn của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII là phải tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản.

Trong báo cáo dài 12 trang vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, các giải pháp “phá băng” thị trường của Bộ Xây dựng chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội.

Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng phối hợp với một số địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và BIDV, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở trên, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ đến năm 2015. Nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp tăng thêm khoảng 200.000 căn nữa, tính đến năm 2020 (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015).

Một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể như sau: Hà Nội cần 111.200 căn; TP. Hồ Chí Minh cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn…

Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn.

Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012-2015 như: Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 4.700.000 m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2.700.000 m2 sàn nhà ở xã hội (mỗi năm khoảng 675.000 m2 sàn) tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.

Trên cơ sở nhu cầu nhà ở xã hội, để kích cầu mảng phân khúc này, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phân khúc này.

Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Dự kiến trong thời gian cuối tháng 5/2013 và trong tháng 6/2013 sẽ có 05 dự án nhà ở xã hội mới được khởi công tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Quy Nhơn - Bình Định, TP. Vinh - Nghệ An.

Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ thực hiện điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển nhà ở xã hội. Tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 33.000 căn hộ (chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).

Trong đó, Hà Nội có 27 dự án với quy mô hơn 14.900 căn hộ (Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra). TP. Hồ Chí Minh có 23 dự án với quy mô 14.500 căn hộ, chưa kể các dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp...

Để hỗ trợ phân khúc này ấm lên, Bộ Xây dựng đã tiến hành đồng bộ. Trước hết, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản. Bộ đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Đồng thời, ban hành các Thông tư hướng dẫn đối tượng được vay gói tín dụng nhà ở ưu đãi 30.000 tỷ đồng...

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, tờ trình các Nghị định, Đề án về quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản như: Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư; Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở; Đề án thí điểm về chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê; Chiến lược phát triển thị trường bất động sản; các chương trình, đề án phát triển nhà ở xã hội...

Giá nhà giảm sâu, thị trường ấm lên, nên mua nhà!

Tự đánh giá lại các giải pháp mà Bộ Xây dựng thực hiện, Bộ trưởng cho rằng, đến nay đã cơ bản xác định nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như: tập trung phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Bộ trưởng cho rằng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.

“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP. HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo tổng tư lệnh ngành Xây dựng, sắp tới, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với nhiều cơ chế ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho nhà ở xã hội; đồng thời, khi gói hỗ trợ tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP được thực hiện và phát huy tác dụng thì chắc chắn những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ từng bước được tháo gỡ.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, thị trường bất động sản rất rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều loại thị trường khác, vì vậy để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành xây dựng mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương; các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư