Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Muốn tăng trưởng nhanh, phải dựa vào khoa học - công nghệ
Hà Nguyễn - 12/09/2020 09:35
 
Chưa bao giờ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi trọng như hiện nay. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một trong những đột phá chiến lược giúp Việt Nam bứt phá.

Chìa khóa cho sự đột phá là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo

Đã có một sự đồng thuận rất lớn giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Đây chính là một động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế. Vì những ý nghĩa này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, ngoài 3 đột phá chiến lược hiện tại là thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, đã bổ sung hai đột phá chiến lược mới, là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người.

.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đều thống nhất về vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Dẫn câu chuyện về việc Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ mất 40 năm để trỗi dậy và đứng vào top những quốc gia phát triển nhất thế giới, trong khi Việt Nam sau 45 năm thống nhất, nền kinh tế dù đã có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn ở mức thấp, nền tảng nội tại yếu kém, sức cạnh tranh thấp, doanh nghiệp trong nước chỉ gia công lắp ráp, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi “vì sao”.

Và câu trả lời là: “Mấu chốt chính là nền tảng công nghệ kém”.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã đặt mục tiêu rất rõ ràng: đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Quỹ thời gian của chúng ta không còn nhiều. Năm 2030 là dấu mốc rất quan trọng, bởi lúc đó Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Chúng ta chỉ còn 10 năm để trỗi dậy, để tăng tốc, vượt lên. Do vậy, phải làm chủ được công nghệ, bật lên từ công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Vì coi trọng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu nên thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong trong xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội nghìn năm có một, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt, tận dụng cơ hội này để tiến cùng, vượt lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là khía cạnh phát triển kinh tế, xem yếu tố này tác động tới nền kinh tế như thế nào và ngược lại, nền kinh tế tận dụng cơ hội cơ hội như thế nào đối với cuộc cách mạng này.

.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, muốn tăng tốc phát triển, phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

“Đi sâu vào phát triển công nghệ gì, như thế nào là thuộc vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và một lần nữa nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh, phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và con người.

Cái đích của đầu tư là tạo ra sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam”

Một thông tin quan trọng được Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải thông tin tại cuộc làm việc giữa hai Bộ trưởng, đó là tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng chuyển dần sang dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay, đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách dành cho khoa học - công nghệ chỉ bằng 0,53% GDP, thấp hơn nhiều so với con số bình quân của thế giới là 2,23%.

“Chỉ khi nào tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo tăng lên 1,5-2% GDP thì mới có thể tạo được sự bứt phá của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Lê Xuân Đình nhấn mạnh.

Liên quan đến đầu tư công, theo số liệu từ Bộ Khoa học - Công nghệ, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hơn 1.691 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài các nhu cầu bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, nhu cầu vốn đối ứng dự án ODA, thì nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn mới của Bộ Khoa học - Công nghệ khoảng 8.456 tỷ đồng.

Nguồn vốn này dự kiến dành đầu tư cho 44 dự án. Ngoài cái dự án có tính chất xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, thì còn có các dự án quan trọng khác, như các dự án để tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của Bộ Khoa học - Công nghệ đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; dự án đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3; dự án đầu tư hoàn thiện mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia…

Nhu cầu đầu tư nhiều nhưng nguồn lực có hạn nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ ưu tiên lựa chọn những dự án trọng điểm, mang tính dẫn dắt, quy tụ được các chuyên gia trong và ngoài nước, huy động mọi nguồn lực tạo ra được sản phẩm công nghệ mới, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội...

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Xuân Đình cho biết, sẽ có một khác biệt căn bản trong đầu tư cho khoa học - công nghệ trong thời gian tới đây. Đó là chữ I - Innovation. Theo đó, đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phải coi trọng tính liên kết với doanh nghiệp, để làm sao đưa sản phẩm công nghệ đi vào thực tiễn.

“Dù là đầu tư vào dự án nào, cái gì, thì mục tiêu quan trọng cuối cùng vẫn phải là tạo ra các sản phẩm công nghệ cao ‘made in Vietnam’. Chỉ có như vậy, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo mới trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Mở rộng đối tượng hay tập trung vào doanh nghiệp có tác động lan tỏa là vấn đề cần cân nhắc để phát huy hiệu quả của các gói hỗ trợ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư