Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói gì về quy chuẩn có thể khiến hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa
Khánh Linh - 31/05/2023 19:30
 
Là Bộ trưởng cuối cùng đăng đàn giải trình trong phiên thảo luận tại Hội trưởng chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đi thẳng vào điểm nóng - thực hiện quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu cảnh báo sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa

Trong phiên thảo luận chiều 31/5, đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đã nhắc tới quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, phát biểu tại Hội trường, chiều 31/5.

“Quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa”, đại biểu Hòa nói, chia sẻ sự bức xúc với rất nhiều doanh nghiệp.

Thực tế, suốt từ đầu năm, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên tục có ý kiến về những khó khăn trong tuân thủ quy định mới về phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí, các doanh nghiệp cho biết, việc tổng rà soát về công tác phòng cháy, chữa cháy vừa qua một lần nữa, cùng với dịch bệnh trước đó, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, bị xử phạt, bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cũng gửi đến Nghị trường bức xúc của cử tri về việc một số quy định phòng cháy, chữa cháy không phù hợp, tiêu chuẩn quá cao, áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy nhưng không phân loại mức độ rủi ro nên rất khó khăn cho doanh nghiệp. Việc khắc phục, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy chi phí lớn, nhiều doanh nghiệp không thể khắc phục được.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, đoàn Phú Thọ đã gọi tên những khó khăn mà doanh nghiệp trên địa bàn đang đối mặt, đó là Quy chuẩn QCVN 06:2022 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Đến mức, theo đại biểu Phượng, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đình trệ sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói Quy chuẩn 06 không sửa nhiều, có kế thừa, có điều khoản chuyển tiếp rõ ràng

Giải trình tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các phiên bản QCVN 06:2022 có nội dung sửa đổi không lớn, các quy chuẩn được sửa đổi, thay thế có nội dung tương đồng, có tính kế thừa.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội trường, ngày 31/5.

Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 06 năm 2010, và là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình. Năm 2022, Quy chuẩn được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 16/1/2023.

Theo Bộ trưởng, nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp, lựa chọn cho các đối tượng công trình, các yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm theo quy mô, tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng”, Bộ trưởng làm rõ.

Thêm nữa, các phiên bản đều có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố, công trình đã áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Đăc biệt, Bộ trưởng cũng cho rằng, khi so sánh quy định cơ bản, QCVN 06:2022 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi QCVN 06:2022 quy định không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp đối với nhóm nhà xưởng công nghiệp, nhóm nhà dân dụng quy mô trung bình trở lên và nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ.

Cụ thể, về các vấn đề đang được quan tâm, Bộ trưởng Xây dựng giải trình chi tiết, QCVN 06:2022 không có quy định về sơn chống cháy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Quy chuẩn 06 không có quy định nào về sơn chống cháy. Đối với kết cấu thép nhà xưởng, Quy chuẩn 06 cho phép sử dụng nhiều giải pháp để cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền có thể thẩm duyệt, nghiệm thu mà không cần thử nghiệm, đánh giá phức tạp.

“Sơn chống cháy không phải là vật liệu có thể chuẩn hóa nên không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn. Do đó, trong Quy chuẩn 06 không có nội dung quy định về sơn chống cháy”, Bộ trưởng giải thích.

Ngoài ra, Quy chuẩn 06 cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao, với diện tích lên đến 25.000m2 không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Các hạng cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép.

“Như vậy, theo Quy chuẩn 06 thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về cấp nước chữa cháy, Quy chuẩn 06/2022 chỉ quy định các nội dung cơ bản về cấp nước chữa cháy, như lưu lượng, áp suất, thời gian đối với cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà tùy thuộc quy mô, công năng của công trình để phục vụ thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy.

Nghĩa là, Quy chuẩn 06 không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà.

Theo Bộ trưởng, nội dung này nằm trong Tiêu chuẩn 389.090 do các cơ quan khác biên soạn, trong đó quy định rõ nhà và công trình có công năng gì, quy mô nào thì phải trang bị những hệ thống trên.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh, Quy chuẩn 06/2022 cho phép sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để cấp nước chữa cháy ngoài nhà, khi sử dụng đúng giải pháp phù hợp thì có thể không cần xây bể riêng cho nhà hoặc chỉ cần xây dựng bể có thể tích vừa phải, có kết hợp với bơm bổ sung hoặc kết hợp với nước sản xuất.

Do đó, cần thực hiện đúng quy chuẩn, không bắt buộc yêu cầu các công trình xây dựng bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế, tính toán, thuyết minh phù hợp. Ngoài ra, Quy chuẩn 06 đã linh hoạt cho phép cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, Bộ trưởng khẳng định, nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chuẩn 06, cũng không thuộc đối tượng thẩm duyệt.

Tuy nhiên, nếu các công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích sử dụng khác, thì sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Vướng mắc xuất xảy ra khi các công trình đó không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước, cũng như việc tổ chức không gian kiến trúc kết cấu cho nhà ở riêng lẻ, nay phải cải tạo để đáp ứng quy chuẩn là rất khó.

Đã gửi lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy

Cũng trong phát biểu tại Hội trường chiều 31/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cháy cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể.

"Bộ Xây dựng đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc này, đã gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương vào ngày 26/5/2023", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội. 

Hôm qua, ngày 30/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu xây dựng nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy. Dự thảo được yêu cầu trình Chính phủ trước ngày 31/5/2023. Từ giữa tháng 5, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Phó thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan, trên cơ sở kết quả rà soát các vướng mắc từ thực tiễn, xây dựng nghị quyết. Đặc biệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng. Cơ chế xây dựng dựa trên từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc, với nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy, không hợp thức hóa sai phạm”.

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình. Mục tiêu nhằm phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ; vừa phải đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất, vừa không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi.

Trong đó lưu ý, các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị…; quy chuẩn đối với các loại hình không có nguy cơ cao, môi trường cháy, vật liệu cháy… 

Các quy chuẩn cần được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để ban hành trước ngày 30/6.

Doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai "kêu" khó xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy
Nhiều doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai phản ánh việc khó xin giấy phép nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) làm ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư