Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa
Song An - 27/01/2021 16:35
 
Nhiệm kỳ XII, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham luận tại Đại hội XIII.

Nhiệm kỳ mới sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu trong tham luận tại Đại hội Đảng XIII, chiều 27/1.

Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh

Nhiệm kỳ XII, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới - ông Cường đánh giá.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%. Hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Kết quả khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn hơn; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đã có trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận.

Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp và nêu một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng cũng nêu giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư.

Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Giải pháp tiếp theo Bộ trưởng nêu là thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, đi đôi với đẩy mạnh Chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Nhân sự Đại hội XIII: Trung ương chuẩn bị rất kỹ các trường hợp đặc biệt
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Hầu A Lềnh trao đổi về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư