Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Thăng làm việc với Uber: Phép thử quyền tự do kinh doanh
Anh Minh - 24/12/2014 09:01
 
Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng vừa có cuộc làm việc chính thức với Công ty Uber đã thu hút sự quan tâm lớn của không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ, mà còn cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chân dung Travis Kalanick, ông chủ Uber
Ứng dụng đi chung xe Uber có giá 12 tỷ USD

Hoạt động của Uber trong thời gian qua không chỉ gây ra những phản ứng gay gắt từ phía các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, mà còn tác động đến những vấn đề pháp lý, quan điểm trong quản lý, cấp phép đầu tư, bởi đây là phương thức kinh doanh mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Thăng làm việc với Uber: Phép thử quyền tự do kinh doanh
Lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ mà Uber tham gia cung cấp dịch vụ là ngành kinh doanh có điều kiện

Chính vì vậy, thái độ ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Uber được coi là một ”phép thử” với quyền tự do kinh doanh đã được khẳng định rõ tại Điều 33, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Tại cuộc làm việc này, người đứng đầu Bộ Giao thông - Vận tải đã khẳng định sẽ ủng hộ hoàn toàn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải, trong đó có trường hợp của Uber - đơn vị cung cấp công nghệ, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại ứng dụng trên điện thoại thông minh cho các xe kinh doanh vận tải hành khách.

Đổi lại, Uber và các doanh nghiệp cung cấp các phần mềm quản lý, kết nối vận tải khác phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tức là chỉ cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như thực hiện đúng các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, việc tiến hành kiểm tra, rà soát lại các quy định, thực tế hoạt động của Uber không phải để cấm doanh nghiệp nước ngoài này hoạt động, mà hướng tới mục tiêu trao đổi để doanh nghiệp có định hướng thực hiện đúng các quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Với quan điểm như vậy, có thể hiểu, Bộ Giao thông - Vận tải trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã bật đèn xanh cho loại hình dịch vụ công nghệ thông tin này được phép xuất có mặt trong thị trường kinh doanh vận tải đường bộ Việt Nam.

Đây thực sự là bước chuyển rất lớn trong tư duy quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải so với hồi đầu tháng 12/2014, khi chính lãnh đạo Bộ này đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Cũng cần khẳng định rằng, việc cấm kinh doanh dịch vụ này vào thời điểm Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), với quan điểm doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, sẽ là điều khó có thể chấp nhận, khi dịch vụ này không nằm trong danh mục những ngành nghề bị cấm.

Các luật này đã quy định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã xác định đây là ngành kinh doanh có điều kiện.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định Uber sẽ đem lại những lợi ích thiết thực lâu dài cho người tiêu dùng hoặc sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp vận tải taxi đứng trước nguy cơ phá sản, song việc chấp nhận loại hình dịch vụ này với yêu cầu phải tuân thủ pháp luật hiện có được coi là thái độ ứng xử chuẩn mực theo tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải có của các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, ứng xử của các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải trong trường hợp với Uber cần được xem là việc cụ thể hóa tinh thần cải cách đã được quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Sớm hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp

() Rất hài lòng với Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11, ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong muốn Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Mở rộng đường băng cải cách

() Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối cho mục tiêu tạo động lực mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư