Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Bộ trưởng Thăng mổ xẻ nguyên nhân máy bay chậm, hủy chuyến
Anh Minh - 10/07/2014 13:16
 
Việc đổ toàn bộ lỗi chậm, hủy chuyến bay thương mại có xu hương tăng cao trong thời gian vừa qua cho các hãng không là không hợp tình, hợp lý.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bắt đầu giám sát an toàn bay đối với Vietjet Air
Khiển trách Cục trưởng Cục Hàng không vì "bưng bít thông tin"
Đình chỉ tổ bay, điều phái viên của VietJet Air
Điều tra vụ máy bay Vietjet Air hạ cánh nhầm?
Máy bay VietJetAir hoãn bay vì khách hô có bom

Nếu không có gì thay đổi, vào sáng mai (11/7), đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng sẽ chủ trì cuộc họp với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không trong nước nhằm làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, biện pháp khắc phục trước vấn nạn chậm/hủy chuyến các chuyến bay thương mại có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

  Bộ trưởng Thăng mổ xẻ nguyên nhân máy bay chậm, hủy chuyến  
  Vietnam Airlines hiện là hãng có tỷ lệ chậm/hủy chuyến bay thấp nhất trên các tuyến bay nội địa  

Theo số liệu mới nhất vừa được Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không nội địa thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến là 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến là 3,2% tăng tương ứng 5,2% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong số các hãng hàng không đang tham gia vận tải nội địa, Jestar Pacific có tỷ lệ chậm/hủy chuyến cao nhất với con số lần lượt là 43,4% và 3,8%.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, có bốn nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm/hủy chuyến vừa qua là: Thời tiết, kỹ thuật, thương mại và nhóm nguyên nhân khác (có hoạt động bay khác, an ninh hàng không…).

Lý giải về tình trạng chậm, hủy chuyến trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 40%, ông Thanh cho biết nguyên nhân chính là thời tiết có nhiều biến động, hiện tượng sương mù không chỉ xuất hiện ở miền Bắc, miền Trung mà còn xảy ra ở miền Nam ảnh hưởng đến hoạt động hạ, cất cánh. Đơn cử như trong tháng 3/2014, Vietnam Airlines đã phải dừng hoạt động ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong 10 ngày, các sân bay khác như: Vinh, Cát Bi, Điện Biên… cũng có nhiều ngày phải hủy các chuyến bay vì thời tiết.

Bên cạnh đó, sau khi xảy ra vụ mất tích của chiếc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia, Cục Hàng không Việt Nam đã nâng an ninh lên cấp độ 1 trong hơn 10 ngày, đồng nghĩa với việc tỷ lệ kiểm tra trực quan về người và hành lý là tăng từ 5-10%, khiến tình trạng khách ùn ứ tại các điểm soi chiếu an ninh, không thể lên tàu bay đúng giờ.

Đại diện VietJet Air cho biết, trong 6 tháng vừa qua, hãng có 32 chuyến bay phải hủy vì lỗi kỹ thuật, gây chậm dây chuyền đến 200 chuyến bay khác. Chỉ riêng trong ngày 9/7, 8 chuyến bay đi/đến Đà Lạt buộc phải hủy vì lí do thời tiết.

Hành khách cũng là một trong những nguyên nhân làm máy bay của hãng này phải 9 lần quay lại sân sỗ trong tháng 6/2014. Ngoài ra, đại diện VietJet Air cho rằng, sự chậm hủy chuyến của hãng này cũng xuất phát từ những nguyên nhân khác như: hệ thống check in ở các sân bay chưa đồng bộ, việc tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, thời gian soi chiếu an ninh lâu (15 - 20 giây), khả năng cung cấp dịch vụ khai thác mặt đất ở một số sân bay chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của VietJet Air…

Với kinh nghiệm là một phi công lâu năm, ông Hoàng Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác của Vietnam Airlines - cho biết, nhiều trường hợp cả chuyến bay bị chậm chỉ vì 1 hành khách đến muộn hoặc “mất tích” vì những lí do rất trời ơi.

“Đến giờ bay nhưng tìm mãi không thấy khách đâu, khi tổ bay quyết định cắt khách thì lại tìm mãi không thấy hành lý để trả vào ga, tìm thấy hành lý rồi thì lại thấy khách xuất hiện nên phải làm thủ tục cho khách lên máy bay, bởi thế chuyến bay bị chậm”, ông Mạnh nêu một ví dụ.

Cần phải nói thêm rằng, giải bài toán “đúng giờ” trước hết phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng. Không phải các hãng hàng không quên điều đó. Vấn đề ở chỗ, dịch vụ mặt đất, cụm cảng không phải “trong tầm với” của các hãng, không phải khi nào các hãng cũng chủ động được các khâu liên quan tới mặt đất, dịch vụ bay. Ngay cả khi muốn thay đổi chất lượng dịch vụ thì họ cũng khó có thể thay đổi theo ý mình.

Trong khi đó, đại diện Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay - Cục Hàng không Việt Nam cho rằng,  thời gian quay đầu của hãng vận chuyển quá ngắn nên khi máy bay hạ cánh thì buộc phải chờ các máy bay khác và phục vụ mặt đất, do đó các chuyến bay kế tiếp của hãng cũng bị chậm dây chuyền.

Theo khẳng định của Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này cam kết sẽ giải quyết tốt hơn tình hình này và chuyện chậm hủy chuyến bay sẽ giảm chứ không nhức nhối như hiện nay.

Theo quan điểm của một chuyên gia hàng không, việc hoãn, hủy chuyến của các hãng hàng không trên thế giới chỉ có thể giảm thiểu ở mức tối đa bởi đây là một thực tế khách quan của hoạt động kinh doanh vận tải hàng không.

Nhân định này được cho là có cơ sở, bởi theo thống kê của Hiệp hội các hãng hàng không thế giới - IATA, tỷ lệ chậm/hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của hãng hàng không là 25%, trong đó khu vực Bắc Mỹ là 30%, Châu Âu là 20%, Châu Á là 29%.

Một đặc điểm được IATA rút ra là tỷ lệ chậm/hủy chuyến của các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực trong giai đoạn qua thường cao hơn các hãng hàng không trong khu vực.

Hiện các nhà chức trách trên thế giới chưa có bất kỳ quy định cụ thể cũng như chế tài đối với các hãng hàng không có tỷ lệ chậm/hủy chuyến cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư