Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn
D.Ngân - 01/06/2021 13:58
 
Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn. Do đó, TP.HCM cần tăng tốc xét nghiệm bằng nhiều phương pháp, không trông chờ toàn bộ vào xét nghiệm RT-PCR.

Về ổ dịch Covid-19 tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, TP.HCM có điểm bùng phát dịch mới tại nhóm sinh hoạt tôn giáo. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long.

Theo đó, trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 liên quan ổ dịch này có triệu chứng từ ngày 13/5 đến khi được phát hiện đã quá 13 - 14 ngày. Trong khi đó, với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2 - 3 ngày hoặc sớm hơn.

“Ổ dịch tại TP.HCM có thể trải qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, rất nguy hiểm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lo ngại.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch và có biện pháp quyết liệt. Tới đây, có thể TP sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh do sự lây nhiễm đã lan rộng ra các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn. Do đó, TP.HCM cần tăng tốc xét nghiệm bằng nhiều phương pháp, không trông chờ toàn bộ vào xét nghiệm RT-PCR.

Người đứng đầu ngành Y tế đề nghị TP.HCM cần xét nghiệm cho toàn bộ người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Với cơ sở phòng khám, y tế tư nhân, nhà thuốc cần phối hợp xác định người có biểu hiện sốt, khó thở và xét nghiệm với kháng nguyên nhanh. 

Lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Y tế cho rằng dù TP.HCM có công suất xét nghiệm cao, tuy nhiên, không thể xét nghiệm được cho hàng triệu người cùng lúc. Do đó, TP cần ưu tiên khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ mới sử dụng phương pháp RT-PCT.

Cùng với TP.HCM hiện Bắc Ninh cũng đang đứng trước nguy cơ lây lan dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp.

Trước thực tế này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã giao Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, tổ chức cho người lao động ở tạm trong doanh nghiệp để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây dịch, nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện phòng cháy chữa 

Các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50 % số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy. Đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm tối đa số lượng công nhân đi làm.

Bộ Y tế yêu cầu Bắc Ninh cần kiểm soát chặt công nhân như: Yêu cầu 100% công nhân khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluzone và yêu cầu bật ứng dụng 24/24, lắp đặt camera giám sát, cung cấp địa chỉ cư trú, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch trên xe đưa đón công nhân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện, xã phải vào cuộc, giám sát chặt chẽ khu nhà trọ công nhân không được để tụ tập đông người, không được ra ngoài… để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ duy trì sản xuất.

Không chỉ đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, ngăn chặn dịch lây lan tại các khu công nghiệp, nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin, phục vụ cho chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trên quy mô toàn quốc, theo Bộ trưởng Bộ Y tế NguyễnThanh Long, Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin Covid-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vắc xin được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

Việt Nam đang khẩn trương triển khai tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và đảm bảo tiến độ an toàn và hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cũng cho hay, hiện nay, tình hình dịch tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng virus mới nguy hiểm hơn; số trường hợp mắc bệnh ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và tại cộng đồng, do đó việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là rất cần thiết. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin để chủ động nguồn vắc-xin cho người dân Việt Nam. 

Đồng thời cam kết với COVAX, WHO trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. 

Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy và mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vắc-xin cho COVAX và cho các nước cũng như cho Việt Nam.

Liên quan việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị 4 bệnh viện và sở y tế 9 tỉnh thành chi viện Bắc Giang điều trị bệnh nhân nặng.

Để Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị chi viện cho Bắc Giang gửi 4 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hữu Nghị; Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cùng sở Y tế 9 tỉnh, TP Hà Nội; Đà Nẵng; Quảng Ninh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Bắc Kạn; Tuyên Quang; Hải Dương; Hưng Yên.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị cử bác sĩ, điều dưỡng hồi sức cấp cứu hỗ trợ, tham gia điều trị người bệnh Covid-19 nặng tại Bắc Giang.

Thông tin từ Bộ Y tế trưa ngày 1/6 cho biết tại các ổ dịch đã phát hiện 50 ca mắc Covid-19 trong nước. Trong số 50 ca mắc, Bắc Giang vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất với 32 ca, Bắc Ninh, 9 ca, Lạng Sơn, 8 ca, Long An, 1 ca.

Tính đến 12h ngày 1/6, Việt Nam có tổng cộng 5.976 ca ghi nhận trong nước và 1.506 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.406 ca.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân tại các khu công nghiệp
Chiều ngày 27/5 Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ phát động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Công ty TNHH Funing...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư