Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bỏ tư duy “ăn xổi” trong phát triển ngành hàng sầu riêng
Nhung Bùi - 25/07/2024 14:18
 
Sầu riêng là mặt hàng mang về giá trị tỷ USD, tuy nhiên, đang bị phát triển quá “nóng”, dẫn tới nhiều vấn đề trong kiểm soát chất lượng.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha.

“Như vậy có thể thấy diện tích trồng sầu riêng còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành sầu riêng. Nhưng việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc. Sản xuất nhỏ lẻ sầu riêng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng”, ông Hiếu chia sẻ tại tọa đàm “Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp”.

Đáng chú ý, diện tích vùng trồng sầu riêng đã bị tăng trưởng quá “nóng” trong thời gian vừa qua, khi nông dân tự động trồng thêm ồ ạt. Nếu chiếu theo mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000 ha. Tuy nhiên, trong cơn sốt giá sầu riêng, diện tích loại trái cây này đã lên đến 112.000 ha.

Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của  các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh.

Tham gia tọa đàm từ đầu cầu trực tuyến, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023 và dự báo cả năm 2024 có thể đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chưa xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì mục tiêu này sẽ khó đạt được. 

Ông Nguyên thông tin thêm, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Đáng ngại hơn, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.

"Hiệp hội không có phương tiện để kiểm tra, bởi vậy chỉ có thể khuyến cáo các hội viên, đăng thông tin của cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên biết, từ đó tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", ông Nguyên chia sẻ.

Cần bỏ tư duy “ăn xổi”

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như: không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc,…

Điều này đòi hỏi người trồng lẫn người xuất khẩu sầu riêng đều phải quan tâm đến nguồn gốc, giống, vùng trồng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. 

Tuy nhiên ông Nam lấy một ví dụ thực tiễn rằng người nhà tôi trong Gia Lai vô tư chặt cà phê để trồng sầu riêng trong khi chưa nắm rõ kỹ thuật, công nghệ chỉ vì thấy nhà hàng xóm trồng được mình cũng trồng. Do vậy, việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho nông dân là vấn đề cần thiết. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát, đồng quản lý cho cả chuỗi sản xuất từ người thu mua, thương lái đến người trồng sầu riêng. 

“Chúng ta phải bỏ tư duy ăn xổi, mỗi bên trong chuỗi sản xuất cần giảm lợi ích đi một chút thì mới phát triển bền vững được”, ông Nam nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech, kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật thiết lập một đường dây nóng để doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu gian lận mã số. Đồng thời, cần tăng cường công tác tập huấn/hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp, có thể phối hợp, xã hội hóa các doanh nghiệp tư vấn độc lập như Sutech để thực hiện công tác đó.

Hiện nay, nhiều nước đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, vì vậy, một số chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm để có được thị trường lâu dài. Quản lý chất lượng sầu riêng phải có tiêu chuẩn cụ thể, vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các quy chuẩn áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy.

“Thái Lan đã có những tiêu chuẩn riêng. Họ cũng tổ chức kiểm tra chất lượng trước khi cho thương lái thu mua, quy định vùng này đến ngày nào mới đạt chất lượng, mới được phép thu mua. Chính vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân cùng quan tâm đến những vấn đề này", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị. 

Sầu riêng Việt đe dọa vị thế top 1 của sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc
Lợi thế vận chuyển khiến sầu riêng Việt Nam ngày càng gia tăng “miếng bánh thị phần” tại Trung Quốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư