Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 27 tháng 01 năm 2025,
Bộ, UBND không trực tiếp làm chủ đầu tư
Hà Quang - 27/09/2013 15:36
 
Ông Trần Ngọc Hùng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, các Bộ, UBND các cấp không nên trực tiếp làm chủ đầu tư mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quản lý nhà nước tại các dự án.
TIN LIÊN QUAN
Nhiều quy định quyền hạn, nhiệm vụ của chủ đầu tư mà các Bộ, UBND không trực tiếp làm được

Góp ý với Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) tại Hà Nội sáng 27/9 (chương trình do Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì), ông Trần Ngọc Hùng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, các Bộ, UBND các cấp không nên trực tiếp làm chủ đầu tư mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quản lý nhà nước tại các dự án.

Theo ông Hùng, Bộ, UBND các cấp làm chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước thì Bộ, UBND được nhà nước giao quản lý nguồn vốn của dự án, nhưng không thể là chủ đầu tư, vì rất nhiều quy định quyền hạn, nhiệm vụ của chủ đầu tư mà các cơ quan này không trực tiếp làm được.

Với các dự án lớn do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, uỷ nhiệm cho các Bộ, UBND tỉnh tổ chức thực hiện thì Bộ, UBND tỉnh cũng chỉ nên làm một số công việc cấp trên của chủ đầu tư để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật đầu tư công (trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới) sẽ có phần kế hoạch hóa đầu tư, phân bổ, kiểm soát phân hóa nguồn vốn đầu tư.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, các quy phạm pháp luật chủ yếu quy định nguồn vốn nhà nước về đầu tư xây dựng.

Đến thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, những quy định cũng không còn phù hợp, nhưng nhiều khi tư tưởng thị trường hóa quá được đề cao, nhất là với Luật Xây dựng 2003, quá coi trọng các chủ đầu tư…

Đến thời điểm này, cần có chế tài tăng cường quản lý chéo, quản lý việc gây lãng phí, tham nhũng. Bộ trưởng Dũng cũng nhìn nhận, chất lượng dự án chưa cao, dễ nâng khống; nên cần có điều luật quản lý các nguồn vốn khác nhau.

Nhiều bất cập trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng hiện nay đã được nêu ra trong Hội thảo sáng 27/9 như: việc đầu tư trong thời gian qua còn tự phát, phong trào, đầu tư thiếu quy hoạch, gây nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản, các nhà thầu phát triển mạnh nhưng chất lượng có “vấn đề”...

Có nhiều ý kiến từ Tổng Hội Xây dựng cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện không có đủ năng lực chuyên môn và tài chính vẫn tham gia hành nghề xây dựng, gây hỗn loạn thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình xây dựng. Trong khi quy định về bảo hành công trình do doanh nghiệp làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nhưng nếu doanh nghiệp không còn tồn tại nữa sẽ không còn người bảo hành….

Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để khắc phục các vấn đề trên, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng một số ngành, địa phương soạn Luật Xây dựng sửa đổi (đang dự thảo đến lần thứ 34).

Những nội dung mới trong dự thảo Luật lần này có 6 điểm.

Một là, đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt.

Ba là, tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước kết hợp với đáp ứng các yêu cầu khách quan của thị trường, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thông qua hợp đồng xây dựng.

Năm là, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng.

Sáu là, xác định trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và thực hiện phân công, phân cấp hợp lý giữa bộ, ngành và địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư