Thứ Tư, Ngày 02 tháng 04 năm 2025,
Bộ Xây dựng đã giải ngân được 8.302 tỷ đồng, đạt 9,98% tổng kế hoạch năm 2025
Anh Minh - 01/04/2025 14:48
 
Mặc dù khối lượng giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm 2025 đã nhỉnh hơn bình quân chung cả nước, nhưng áp lực của Bộ Xây dựng vẫn còn rất lớn để có thể hoàn thành giải ngân 93.843 tỷ đồng trong năm nay.
Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021
Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Xây dựng), đến hết tháng 3/2025, Bộ Xây dựng ước giải ngân khoảng 8.302 tỷ đồng, đạt 9,98% tổng kế hoạch năm (gồm 8.204 tỷ đồng vốn giao, đạt 10,16% và 98 tỷ đồng vốn kéo dài, đạt 4 % kế hoạch), cơ bản đạt mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.

 Tuy nhiên khối lượng giải ngân cũng chỉ đạt 71,19% (8.301/11.662 tỷ đồng) theo lũy kế đăng ký kế hoạch của các chủ đầu tư, chậm giải ngân khoảng 3.360 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tới ngày 31/3/2025 cả nước giải ngân đạt 8,94% tổng kế hoạch được Thủ tướng giao (gồm kế hoạch kéo dài đạt 5,97% và kế hoạch giao đạt 9,53%).

Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của Bộ Xây dựng, đáp ứng kế hoạch đã đăng ký gồm: Ban quản lý dự án Hàng hải ước giải ngân 136/1.043 tỷ đồng, đạt 13%, vượt 3 tỷ đồng so với đăng ký; Cục Đường bộ Việt Nam giải ngân 217/2.132 tỷ đồng, đạt 10,2%, vượt 62 tỷ đồng; Đại học xây dựng Miền Tây giải ngân 6,7/24,8 tỷ đồng, đạt 27%; Đại học Kiến trúc Hà Nội, giải ngân 24/155 tỷ đồng, đạt 15,7%; Sở Xây dựng Ninh Bình giải ngân 346/1.175 tỷ đồng, đạt 29,5%.

Các chủ đầu tư có kết quả giải ngân cao hơn mức trung bình chung cả Bộ Xây dựng nhưng chưa đáp ứng tiến độ đăng ký gồm: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ước giải ngân 2.060 tỷ đồng, đạt 19,94%, chậm 1.372 tỷ đồng so với đăng ký; Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh ước giải ngân 1.498 tỷ đồng, đạt 14,77%, chậm 19 tỷ đồng; Ban quản lý dự án 7 giải ngân 882 tỷ đồng, đạt 13,4%, chậm 370 tỷ đồng; Ban quản lý dự án 6 giải ngân 1.009 tỷ đồng, đạt 10,16%, chậm 727 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 5 chủ đầu tư thuộc Bộ có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung theo kế hoạch năm của cả bộ, gồm: Ban quản lý dự án Đường sắt, Ban quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án 85, Ban quản lý dự án Đường thủy, Ban quản lý dự án Thăng Long.

Ngoài ra còn một số chủ đầu tư khác (các Sở, Ban quản lý địa phương được giao kế hoạch vốn lớn, chưa thực hiện đăng ký giải ngân và chưa giải ngân như: Sở Xây dựng Phú Thọ (được giao 681 tỷ đồng), Ban quản lý các dự án công trình giao thông Đắk Lắk (giao 411 tỷ đồng), Sở Xây dựng Hà Tĩnh (giao 302 tỷ đồng), Sở Xây dựng Đà Nẵng (giao 271 tỷ đồng), Sở Xây dựng Quảng Trị (giao 155 tỷ đồng), Sở Xây dựng Cao Bằng (giao 109,5 tỷ đồng)…

Theo đánh giá, kết quả giải ngân đến nay khá thấp so với cùng kỳ năm 202410 (ước khoảng ½ kế hoạch năm 2024) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân chung cả năm 2025 của Bộ Xây dựng, trong đó chưa tính đến số vốn dự kiến được cấp có thẩm quyền bổ sung thêm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024.

Được biết, tổng số kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2025 của Bộ Xây dựng (sau hợp nhất) khoảng khoảng 83.746 tỷ đồng, gồm 81.384 tỷ đồng kế hoạch vốn giao và 2.362 tỷ đồng vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2025.

Bộ Xây dựng đã phân bổ 83.151 tỷ đồng cho các chủ đầu tư; còn lại 595 tỷ đồng vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho Dự án Quốc lộ 24B, tỉnh Quảng Ngãi do chưa đủ điều kiện.

Hiện Bộ đề nghị Bộ Tài chính và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Dự án Quốc lộ 24B về UBND tỉnh Quảng Ngãi để triển khai thực hiện.

Thời gian tới, dự kiến Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục được Thủ tướng giao bổ sung 6.062 tỷ đồng vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, 2023 (cho Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ) và kéo dài thực hiện kế hoạch năm 2024 sang năm 2025 khoảng 4.035 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2025 của Bộ Xây dựng dự kiến khoảng 93.843 tỷ đồng (chưa bao gồm các dự án mới được đề xuất từ nguồn vượt thu 2024).
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công, từ nay đến hết tháng 1/2026, bình quân mỗi tháng, các chủ đầu tư thuộc Bộ Xây dựng phải giải ngân tối thiểu 9.000 tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 1.000 tỷ đồng so với lũy kế giải ngân trong cả 3 tháng đầu năm 2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư