Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 08 năm 2024,
Bộ Y tế chỉ đạo việc sử dụng Vitamin A trong điều trị sởi
D.Ngân - 31/08/2024 11:58
 
Công văn số 5189 ban hành ngày 30/8/2024 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc sử dụng Vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc, số ca nhập viện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng chống, bệnh sởi trong đó việc bổ sung Vitamin A cho việc điều trị hỗ trợ các bệnh liên quan đến mắt và suy dinh dưỡng là cần thiết.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc, số ca nhập viện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phân bổ Vitamin A viên nang 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị hiện còn tồn kho sau khi kết thúc Chiến dịch uống bổ sung Vitamin A cho trẻ em đợt 1 năm 2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi trên địa bàn.

Trường hợp số lượng Vitamin A còn tồn tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, đề nghị các tỉnh, thành phố liên hệ Viện Dinh dưỡng để được cấp bổ sung.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng Vitamin A được phân bổ để điều trị cho trẻ em mắc sởi trên địa bàn theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi ban hành tại Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch sởi cho người dân, trong đó có vai trò của Vitamin A trong điều trị bệnh sởi và dự phòng biến chứng khô mắt của bệnh.

Về dịch sởi tại TP.HCM, tính từ đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị cho 368 bệnh nhi mắc bệnh sởi. Trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng.

Đặc biệt, có 42 bệnh nhi  (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vắc xin sởi.

Tuy nhiên, với các tiếp cận hợp lý, kế hoạch rõ ràng và nổ lực của toàn thể nhân viên bệnh viện đã điều trị hiệu quả và không có bệnh nhi nào tử vong.

Vitamin A liều cao, globuline miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) và một số thuốc khác là những thuốc cần được trang bị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi có biến chứng nặng đã được dự trù từ đầu năm.

Ngoài ra, dopamin là một loại thuốc vận mạch được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị sốc, truỵ mạch do bệnh sốt xuất huyết hoặc một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Thuốc này cũng được dự trữ từ đầu năm, tuy nhiên đến 15/8/2024 đã hết hạn dùng.

Được biết, Bệnh viện này đã liên hệ với nhà cung cấp và sẽ được cung ứng trong tháng 9 năm 2024. Trong thời gian chờ dopamin, Bệnh viện đã chủ động sử dụng thuốc khác có tác dụng tương tự để thay thế.

Vì vậy, việc chậm cung ứng dopamin trong thời gian này không ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh sởi hoặc những bệnh lý khác cần sử dụng dopamin như sốt xuất huyết nặng. 

Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Quản lý Dược tìm hiểu công tác nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đủ cho các bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc-xin

Trước đó, sau khi UBND TP.HCM công bố dịch sởi trên địa bàn, ngành y tế thành phố đã ban hành kế hoạch về việc mua sắm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella. Đồng thời, phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vắc-xin MR.

Đây là vắc-xin đang được Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sử dụng, do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất.

Vắc-xin đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TP.HCM, và dự kiến đến cuối ngày thứ Sáu (30/8/2024), vắc-xin sẽ về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, và được phân bổ ngay cho các quận, huyện.

Dự kiến ngành Y tế TP.HCM sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi từ ngày 31/8/2024 (thứ Bảy), và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024.

Trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi năm 2024. Chiến dịch này sẽ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ; nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh có điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Ưu tiên tiêm trước cho nhóm từ 1-5 tuổi. Nhóm tuổi cụ thể tiêm chủng do các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc-xin, nguồn lực của địa phương và trao đổi thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.

Các địa phương sẽ chủ động điều tra lập danh sách tiêm là trẻ thuộc nhóm đối tượng từ 1-10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi - rubella (MR).

Ngoại trừ trẻ đã được tiêm vắc-xin có chứa thành phần sởi hoặc MR hoặc vắc-xin có chứa thành phần sởi và/hoặc rubella trong vòng một tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên phiếu, sổ tiêm chủng, phần mềm quản lý tiêm chủng); trẻ đã tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Mục tiêu của chiến dịch này là làm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra.

Mục tiêu cụ thể là 95% trẻ thuộc nhóm chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi - rubella.

Thời gian tiêm là quý 3 - 4 năm 2024, triển khai sớm ngay sau khi vắc-xin được cung ứng. Phạm vi triển khai trong giai đoạn 1 là 135 quận, huyện tại 18 tỉnh thành gồm Hà Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Gia Lai, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang.

Giai đoạn 2 sẽ bổ sung địa bàn triển khai căn cứ vào kết quả rà soát, thống kê của các tỉnh, thành phố và đề xuất của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực căn cứ vào tình hình dịch sởi tại thời điểm rà soát để bổ sung các tỉnh, quận, huyện, xã triển khai.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tin mới y tế ngày 29/8: Dịch sởi tăng 8 lần, Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư