Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bốn cách giúp TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính
Hà Nguyễn - 18/11/2019 13:37
 
Ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB về phát triển khu vực tư nhân, đã chia sẻ về các phương cách giúp TP.HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính.
.
TP.HCM có tiềm năng phát triển theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai để trở thành các trung tâm nổi trội về tài chính toàn cầu.

Trong bài viết được gửi đi sáng 17/11, ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB về phát triển khu vực tư nhân, đã cho rằng, với những cải cách tài chính quan trọng, TP.HCM có tiềm năng phát triển theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai và các thành phố khác để trở thành các trung tâm nổi trội về tài chính toàn cầu.

Theo ông này, đối với rất nhiều thành phố khao khát trở thành trung tâm tài chính, Dubai là một hình mẫu. 

Trong thập niên 2000, Dubai đã nổi lên như một trung tâm tài chính toàn cầu. Tác động là rất đáng kể. Tại thời điểm chuyển giao Thiên niên kỷ, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có GDP là 104 tỷ USD. Tới năm 2018, nền kinh tế của quốc gia này không chỉ tăng gấp 4 lần về quy mô mà còn trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ, với các dịch vụ tài chính là một động lực tăng trưởng cơ bản.

“Dù vậy, câu chuyện thành công của Dubai là khó lặp lại”, ông Donald Lambert bày tỏ quan điểm.

Lý do, được ông Donald Lambert lý giải là vì, thành phố này có một số lợi thế về mặt địa lý, như là trung tâm vận tải hàng không toàn cầu và có những láng giềng giàu có với nguồn tiền nhàn rỗi từ dầu mỏ sẵn sàng đầu tư

Thứ hai, nó không có bất kỳ đối thủ tương đương rõ rệt nào trong khu vực cho các dịch vụ tài chính và đã có thể lấp vào khoảng trống hiếm hoi còn lại, xét tới sự nở rộ sau đó của các trung tâm tài chính đầy khát vọng. 

Thứ ba, ý ​​chí chính trị của nó là hết sức mạnh mẽ và đã mở rộng tới mức sửa đổi Hiến pháp Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất năm 2004 để cung cấp khuôn khổ pháp lý cần thiết cho một trung tâm tài chính toàn cầu.

Và cuối cùng, nó sẵn sàng chi tiêu. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đầu tư cho những thay đổi pháp lý, mức lương cho chuyên gia nước ngoài, cơ sở hạ tầng vật chất và ưu đãi thuế. Rất nhiều quốc gia có nhiều nhu cầu cơ bản hơn cần phải đáp ứng trước khi cân nhắc những khoản chi tiêu lớn như vậy.

Từ góc nhìn của Dubai, ông Donald Lambert cho rằng, cách tiếp cận tốt hơn cho hầu hết các quốc gia, bao gồm Việt Nam, là trước hết tập trung vào việc trở thành một trung tâm tài chính quốc gia. 

Theo ông Donald Lambert, thì Việt Nam có nhu cầu đầu tư khổng lồ. Riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư hàng năm ước tính cần khoảng 18 tỷ đến 20 tỷ USD. 

“Nếu TP.HCM có thể trở thành một đơn vị trung gian ngày càng hiệu quả - thu hút vốn một cách hiệu quả, không chỉ từ các nguồn trong nước mà cả quốc tế - nó sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực của Việt Nam, mà còn tăng cường các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển đổi từ một trung tâm tài chính quốc gia thành một trung tâm tài chính quốc tế”, ông Donald Lambert bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Donald Lambert, thì một trung tâm tài chính quốc gia, và sau đó là toàn cầu, sẽ đòi hỏi đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục - đào tạo, nhưng những cải cách chính sách vẫn là điều kiện thiết yếu. 

Và do đó, ông Donald Lambert đã đưa ra 4 cách để TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính. Đây cũng chính là những đặc điểm chung của các trung tâm tài chính trên toàn cầu.

Thứ nhất, là khung pháp lý toàn diện. Theo ông Donald Lambert, các nhà đầu tư quốc tế cần luật pháp rõ ràng với việc thực thi có thể dự đoán được. 

“Hiện tại, Việt Nam có một số luật quan trọng cần được tăng cường hoặc ban hành, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Các Tổ chức tín dụng và luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thu hút thêm đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng và cơ sở hạ tầng trong nước”, ông Donald Lambert bày tỏ.

Thứ hai, là có cơ sở hạ tầng thị trường vững chắc. Theo ông Donald Lambert, các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi những thị trường nơi họ có thể hoàn tất giao dịch một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, Việt Nam lại đang tụt hậu trong một số lĩnh vực quan trọng.

Một trong số đó là các phương thức quyết toán tổng tức thời theo thời gian thực (real time gross settlement) và giao và thanh toán (delivery-versus-payment) chưa phát triển. Cơ chế bù trừ ròng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và buộc các ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ thêm vốn dự phòng rủi ro ở Việt Nam. 

Đồng thời, Việt Nam không có lãi suất tiêu chuẩn ngắn hạn theo thị trường, vốn là nền tảng cho rất nhiều thành tố khác của thị trường vốn hiện đại.

Thứ ba, là độc lập về chính sách tiền tệ. 

“Nhà đầu tư muốn có khả năng dự đoán đối với chính sách. Hàm ý ở đây là các quyết sách tiền tệ phải được đưa ra với mức độ độc lập nhất định.  Điều này bao gồm tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, sự ổn định của lãi suất liên ngân hàng, và xác định tỷ lệ lạm phát”, ông Donald Lambert bày tỏ.

Và điều quan trọng cuối cùng, đó là cần các cơ chế mạnh mẽ để chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. 

“Đây là những yếu tố then chốt để bảo đảm rằng các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước”, ông Donald Lambert nhấn mạnh.

Theo ông Donald Lambert, thì đến năm 2050, Việt Nam được dự báo nằm trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu TP.HCM có thể phối hợp với chính quyền trung ương thực hiện những cải cách tài chính quan trọng này, thì có tiềm năng đi theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai và những nơi khác, vốn đã trở thành các trung tâm tài chính toàn cầu bằng cách trước hết tài trợ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Trung tâm Tài chính TP.HCM phải là nơi “sếu đầu đàn” tài chính đến làm tổ
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ quan điểm này tại phiên tọa đàm với chủ đề “Định hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư