Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Muốn có trung tâm tài chính tầm khu vực, trước hết phải phát triển thị trường vốn
Thùy Vinh - 18/10/2019 16:25
 
Trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất về chủ đề: TP.HCM hướng tới Trung tâm Tài chính Khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện, các diễn giả cho rằng, muốn phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm khu vực trước hết phải phát triển thị trường vốn.

Ông Dominic, Chủ tịch Tập đoàn Dragon Capital cho rằng, ông rất hoan nghênh việc TP.HCM phát triển thành trung tâm tài chính, nhưng trước khi xây dựng trung tâm TP.HCM trở thành trung tâm tài chính trong khu vực và quốc tế, hãy xem lại thị trường vốn.

Năm 2000, TP.HCM hình thành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), sau đó là Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) và UpCOM. Sau gần 20 năm, vốn hóa của HoSE đạt 140 tỷ USD; HNX là 60 tỷ USD; UpCOM là 40 tỷ USD. Về thị trường trái phiếu Chính phủ, Việt Nam từ con số không nay đã đạt gần 50 tỷ USD, hơn 20% GDP. Lãi suất bình quân kho bạc nhà nước phải trả từ 10% ở 20 năm trước nay chỉ còn khoảng 3%.

Điều này tác động tích cực lên ngân sách nhà nước, vì chi trả mức lãi suất thấp hơn nhiều, trong khi vẫn huy động được vốn qua trái phiếu. Ngoài ra, thị trường phát sinh tuy mới hình thành nhưng cũng phát triển. Như vậy, sau gần 20 năm đối với TP.HCM từ một thị trường tài chính quy mô nhỏ nay đã đạt được những thành quả đáng kể.

Tuy nhiên, nhìn từ trường hợp Dragon Capital, có nhiều vấn đề đặt ra. Là quỹ có thâm niên hoạt động khá lâu tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng Dragon quản lý chỉ mới ở mức vốn cần huy động 1,5 tỷ USD. Dragon không thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam để huy động nguồn vốn từ các nhà dầu tư nước ngoài mà phải đem quỹ này sang niêm yết trên thị trường chứng khoán London để có thể huy động được nguồn vốn nước ngoài.

Một số quỹ tương tự tiếp theo như TEF... Dragon cũng phải niêm yết tại Thái Lan, Australia để có thể huy động được nguồn vốn. 

Vì thế, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế, theo ông Dominic, cần phải xem xét các yếu tố quan trọng về sự phát triển của thị trường vốn đã đủ tầm khu vực để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.  

Trong khi đó, đối với thị trường vốn của Việt Nam còn thiếu quy mô, thiếu chủ thể và thiếu thanh khoản. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chỉ mới có một số quỹ lớn (VCBS, SSI), còn sự đa dạng có các chủ thể, loại hình trên thị trường vẫn thiếu vắng. Vì thế, chúng ta cần phải khai thác và đa dạng thêm hàng hóa cho thị trường vốn. 

Ông Andrew Vallis, Thành viên sáng lập Công ty Đầu tư Blue HK Investments (Anh) chia sẻ: "Tôi hoàn toàn đồng ý đề xuất phát triển trung tâm tài chính ở TP.HCM. Nếu chúng ta xem xét Hong Kong, London... thì mảng tài chính đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người và là trung tâm tài chính lớn của một quốc gia. Còn với TP.HCM, cần phải định vị bản thân mình đó là nhắm tới dịch vụ tài chính cho tương lai, chứ không phải hiện tại. Singapore có thể là một ví dụ thành công mà TP.HCM có thể tham khảo, học hỏi".

Cách mà Singapore phát triển trung tâm tài chính như thế nào trong những năm qua và bắt đầu tư những sơ khai, nhưng đến nay họ đã đạt được thành công nhất định. Trung tâm tài chính của Singapore đã thu hút được nhiều ngân hàng lớn trên thế giới quy tụ về đây và thực sự Singapore đã xây dựng được ngành tài chính mang tầm vốc quốc tế.

Có thể, Singapore chưa trở thành trung tâm chứng khoán lớn như Thượng Hải, Hong Kong, song nơi đây được xem là thị trường quản lý ngoại hối và tạo ra việc làm tốt trong lĩnh vực tài chính. Hiện mảng tài chính của Việt Nam chủ đạo vẫn là các ngân hàng và ngành này cũng đang trải qua quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, còn có nhiều ngân hàng nhỏ và không ít ngân hàng cũng như khách hàng gặp khó khăn.

Hiện Việt Nam cũng phụ thuộc khá nhiều vào việc huy động vốn và phát triển tín dụng của ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để phát triển.

Vì thế, thị trường tài chính Việt Nam cần phát triển thêm nhiều công cụ tài chính khác để giúp các doanh nghiệp có thể huy động được vốn, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng.TP.HCM muốn trở thành trung tâm tài chính thì không có nghĩa TP.HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được lợi. Điều này đã được chứng minh ở các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, mọi tổ chức tài chính và kể cả quốc gia muốn phát triển một trung tâm tài chính vững mạnh thì trước hết đòi hỏi phải có nền công nghệ phát triển. Bởi chỉ có công nghệ mới có thể phát triển được nên cần tập trung nguồn nhân lực công nghệ và cả ngôn ngữ để có thể cạnh tranh được với các quốc gia trên thế giới.

Vì khi nói đến tài chính thì ngoại ngữ và nhất là tiếng Anh là hết sức quan trọng. Đây là ngôn ngữ phổ biến của toàn thế giới nên cần phải tăng cường ngoại ngữ tiếng Anh trong việc giáo dục của Việt Nam.

"Cần có những cột mốc cụ thể, thực tế và không nên cạnh tranh trong thời gian ngắn, TP.HCM cần có tầm nhìn dài hạn trong việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực", ông Andrew Vallis nói.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính đòi hỏi hội tụ các yếu tố: ngân hàng, chứng khoán, phái sinh và kế đến là bảo hiểm.... Trong hệ thống tài chính của chúng ta thì hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 60%; vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm khoảng 30%; trái phiếu chiếm khoảng 6-7% và còn lại là bảo hiểm.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm tài chính quốc gia, trước hết, TP.HCM phải trở thành trung tâm của các trụ sở, định chế tại chính. Trong khi đó, hiện chỉ mới có 1/3 ngân hàng đặt trụ sở tại TP.HCM. Bên cạnh đó, vị trí, môi trường kinh doanh cũng là thước đo để thu hút. Hiện nay, TP.HCM mới xếp thứ 69 trong tổng số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt. 

Cũng theo TS Lực, một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng đó chính là tính chuyển đổi VND cũng cần được linh hoạt hơn. Đồng thời, muốn có được trung tâm tài chính khu vực thì nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng. Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng, nguồn nhân lực được xem là nòng cốt quan trọng để có thể phát triển tốt hơn.

Xây dựng TP.HCM thành Trung tâm tài chính khu vực là cần thiết!
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 (HEF 2019) do Uỷ ban nhân dân TP.HCM tổ chức với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư