Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Bùng nổ đơn hàng, gạo và rau quả lập kỳ tích
Thế Hải - 05/11/2023 09:32
 
Sau 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả và gạo đã tăng thêm hơn 2 tỷ USD so với cả năm ngoái. Đây là con số kỷ lục kể từ khi tham gia xuất khẩu.

Rau quả, gạo vượt năm ngoái hơn 2 tỷ USD

Thành tích xuất khẩu sau chặng đường 10 tháng của năm 2023 được nhắc nhiều tới 2 nhóm hàng xuất khẩu thuộc ngành nông nghiệp là gạo và rau quả, với tổng kim ngạch đạt xấp xỉ 8,9 tỷ USD, dự báo còn tăng nữa sau 2 tháng còn lại của năm.

Số liệu thống kê mới nhất, 10 tháng, xuất khẩu rau quả đã mang về 4,92 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt gần 700 triệu USD so với kết quả xuất khẩu của cả năm 2022. Gạo cũng không thua kém, khi lần đầu cán mốc gần 4 tỷ USD, với 7,1 triệu tấn, tăng 35% về trị giá và tăng 17% về lượng so với cùng kỳ.

Kết quả này đã góp phần đáng kể vào con số hơn 40 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp và 291 tỷ USD của cả nền kinh tế sau 10 tháng của năm nay.

Chịu tác động mạnh từ thị trường Trung Quốc giảm sức mua suốt cả năm 2022, nên rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái chỉ đạt 3,37 tỷ USD, giảm 5,1% so với năm 2021. Nhưng từ đầu năm 2023 tình hình đã khác, đơn đặt hàng tấp nập, nhất là với các loại trái cây có giá trị cao như sầu riêng, xoài, mít… Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhờ tín hiệu tích cực về mở cửa thị trường của Trung Quốc, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 với sầu riêng, chanh leo… là động lực thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng mạnh.

Doanh thu gần 5 tỷ USD của ngành rau quả chủ yếu do tăng mạnh xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 08106000), đạt tới 1,63 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 3 quý của năm 2023, đạt giá trị 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Ước 10 tháng đã vượt 3,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, 4 thị trường xuất khẩu dẫn đầu 10 tháng qua là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan có tốc độ tăng trưởng đáng kể.

Nhờ lợi thế giá xuất khẩu tăng vọt do hưởng lợi từ biến động nguồn cung của thị trường gạo thế giới, hết 10 tháng của năm 2023, ngành gạo cũng có “mùa vàng” về xuất khẩu.

Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan), từ nhiều tháng nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu những ngày cuối tháng 10/2023 ở mức 643 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn. Riêng gạo tấm 25%, giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.

Đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại, các ngành hàng lớn nhiều tháng tăng trưởng âm, thì gạo và rau quả càng trở thành điểm sáng luôn được nhắc tới, cho thấy định hướng phát triển ngành rau quả và gạo theo hướng chất lượng cao, tăng tỷ lệ chế biến sâu, thực hiện nghiêm quy định về sản xuất theo quy hoạch, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… để truy xuất nguồn gốc, phù hợp với tiêu chuẩn cao tại nhiều thị trường lớn là đúng đắn.

Kỷ lục mới sớm được xác lập

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, diễn biến nguồn cung của thị trường gạo thế giới, nhất là khi Ấn Độ cấm và hạn chế xuất khẩu đã tạo cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam.

Dù vậy, ông Đôn thừa nhận, những tháng còn lại, lượng thóc thu mua sẽ không nhiều, nên kể cả có đơn hàng thì doanh nghiệp cũng không dám ký, vì thị trường biến động liên tục, doanh nghiệp vẫn trên tinh thần cẩn trọng.

“Về cơ bản còn phụ thuộc lượng thóc của doanh nghiệp thu mua được bao nhiêu thì mới dám ký đơn hàng xuất khẩu, nhưng tổng thể thì gạo Việt đang được các nhà nhập khẩu chọn mua, vấn đề là sản lượng cũng khó vượt 8 triệu tấn”, ông Đôn cho hay.

Sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, sau khi đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sản lượng xuất khẩu có thể đạt 7,5-8 triệu tấn trong năm 2023. Mặc dù sản lượng sẽ không tăng nhiều, nhưng do được lợi về giá xuất khẩu, từ đó giúp doanh thu xuất khẩu gạo trong 2 tháng còn lại sẽ có thêm khoảng 850-900 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4,7- 4,8 tỷ USD.

Trong các tháng còn lại của năm 2023, hàng rau quả sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, bởi đây là thời điểm lễ tết, nên nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại nhiều thị trường tăng cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Cần phải nói thêm, những tháng gần đây, doanh thu xuất khẩu rau quả đều đạt khoảng 700 triệu USD/tháng.

“Tốc độ tăng trưởng cao sang thị trường Trung Quốc góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng nhanh”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit khẳng định.

Dự báo, 2 tháng còn lại, rau quả có thể đóng góp ít nhất 600 triệu USD mỗi tháng, qua đó mang về thêm khoảng 1,2 tỷ USD. Trong kịch bản sáng hơn, có thể đạt 1,5 tỷ USD nhờ các doanh nghiệp tận dụng được đơn hàng tăng ở thị trường Trung Quốc với các loại trái cây truyền thống như thanh long, chuối, mít, chanh leo và đặc biệt là sầu riêng.

Xuất khẩu gạo xác lập kỷ lục với doanh thu 4 tỷ USD
Với sản lượng xuất khẩu 7,18 triệu tấn sau 10 tháng 2023, ngành gạo mang về doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD, thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư