Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bước ngoặt mới cho hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp
Hải Hà - 12/11/2019 14:14
 
Một diễn đàn cấp Quốc gia tập trung chủ yếu vào giải bài toán giữa trường nghề và doanh nghiệp với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) vào ngày 16/11.
.
Đây là diễn đàn lớn nhất trong hoạt động giáo dục nghền nghiệp liên quan tới kỹ năng lao động, lần đầu tiên tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức theo chuỗi sự kiện gắn kết giữa đào tạo giữa các trường nghề và doanh nghiệp....

Diễn đàn với sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu cùng đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp các nước tham dự sẽ tạo bước ngoặt lớn hứa hẹn đưa hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề lên tầm cao mới đầy tích cực.

Theo đó, đây là lần đầu tiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để cùng nhau thảo luận về một tầm nhìn, khát vọng nguồn nhân lực có kiến thức, tạo năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu mới từ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa Việt Nam không chỉ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, xây dựng quốc gia khởi nghiệp mà còn là bàn đạp đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu này, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đặt lên vai trò hàng đầu. Diễn đàn cũng sẽ là cơ sở tập hợp các ý kiến nhằm đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, có hiệu quả trong phát triển kỹ năng, đổi mới hướng tới tăng quy mô song hành cùng đột phá chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Trên thực tế, giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn từ nhu cầu đào tạo nhân lực khi lực lượng lao động đạt con số 55 triệu nhưng chỉ có 24% trong số đó đã qua đào tạo. Lực lượng lao động chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề và kỹ năng nghề nghiệp chiếm con số khá lớn, đặc biệt có tới trên 35% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp.

Trong khi đó, nhiều năm qua, một thực tế tồn tại khiến khối lao động không có động lực học tiếp cũng như doanh nghiệp không gắn kết với đào tạo đó là cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chỉ tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo, một đặc trưng của các quốc gia đang phát triển.

Hệ quả của việc này khiến việc giải bài toán nhân lực đi trước trở lên rất khó khăn đi cùng với đó là tâm lý xã hội chuộng bằng cấp đại học vẫn tồn tại sâu trong nhận thức của xã hội.

Tuy vậy, tại buổi thông tin về Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lê Quân đã nhìn thấy cơ hội trong vòng 5 năm tới sẽ là giai đoạn bứt phá về hợp tác giữa các trường nghề và doanh nghiệp vì cả 2 phía đều có động lực và cùng chịu áp lực, khi có cùng động lực và áp lực thì quá trình hợp tác đó có khả năng thành công hơn rất nhiều.

Trên thực tế, theo ông Quân, không chỉ thời điểm hiện tại doanh nghiệp mới thấy được lợi ích của lao động qua đào tạo vì mới đây, nhiều trường tại khu vực TP.HCM đã phải từ chối tiếp nhận doanh nghiệp với lý do quá tải.

“Nếu muốn tuyển lao động có chất lượng, đáp ứng ngay nhu cầu  thì không có cách nào khác là doanh nghiệp phải hợp tác với các cơ sở giao dục nghề nghiệp. Đơn giản chỉ cần từ 3-6 tháng hoặc 1 năm, doanh nghiệp đã có thể sở hữu nguồn lao động theo đúng yêu cầu của mình. Điều mà doanh nghiệp không thể kỳ vọng có thể tuyển được thông qua tuyển dụng lao động tự do trên thị trường”, ông Quân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Quân cũng ví mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề hiện như 2 bàn tay cần sự hòa nhịp thì tăng trưởng kinh tế mới phát triển.

Mặc dù Chính phủ giao mục tiêu chỉ số đào tạo nghề tăng lên 5 bậc nhưng năm 2018, chỉ số này của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng tới 18 bậc nhưng ông Quân vẫn chưa hài lòng vì mặc dù chỉ số hài lòng của doanh nghiệp với  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được cải thiện, tuy nhiên còn rất hạn chế. Lý do là, chất lượng giáo dục chỉ tăng khi doanh nghiệp hài lòng với các trường và bài toán này chỉ được giải khi doanh nghiệp hợp tác với các trường nghề sâu rộng hơn nữa.

Ông Quân cho biết, sắp tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ đưa ra các giải pháp khác nhau để sự hợp tác này được gắn kết hơn.

Hiện, những điều kiện hậu thuẫn cho sự phát triển này đã có thông qua cơ chế tự chủ tăng của các trường khi rất nhiều các giải pháp cải cách hành chính được cắt giảm như nhà trường được linh hoạt tổ chức đào tạo, tổ chức tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo để thích ứng với doanh nghiệp. Các trường cũng được thực hiện các chương trình đào tạo mà 70% thời lượng là thực hành, trong đó, doanh nghiệp có thể tham gia tới 40% chương trình đào tạo.

Theo thứ trưởng Quân, từ năm 2018, theo luật, doanh nghiệp đã được phép tham gia vào đào tạo, cấp các chứng chỉ cho người lao động mà không cần phải cấp phép như trước kia.

Điều này đã mở ra hàng loạt các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề mà một trong số doanh nghiệp đã tham gia khá tốt vào phân khúc này có thể kể tới như Vingroup, Mường Thanh, trường đào tạo nghề hàng không của Vietjet hay gần đây nhất, Vietravel cũng tham gia vào hệ thống đào tạo nghề sau khi mua lại 60% cổ phần từ Cao đẳng quốc tế Kent.

Ông Quân cũng cho biết, một dự thảo nghị định về sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp đang được lấy ý kiến với kỳ vọng có thể trình Chính phủ ngay sau khi kết thúc diễn đàn này.

Cũng theo ông Quân, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang có đề án đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cách mạng 4.0, trong đó tập trung vào 2 hợp phần chính là đào tạo những ngành nghề mới, những kỹ năng đáp ứng nhu cầu mới và hợp phần đào tạo lại cho lao động, đặc biệt là lao động trung niên từ 35 tuổi để tái hòa nhập thị trường lao động, trong đó có tính tới dự báo về các công việc yêu cầu kỹ năng mới và số lượng, quy mô nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng cần đưa ra dự báo nhu cầu đào tạo trước xu thế chuyển đổi.

Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sẽ chính thức diễn ra vào 16/11 cùng các hoạt động bên lề diễn ra vào chiều 15/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Hà Nội.

Các hoạt động chính của diễn đàn gồm 3 phiên dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gồm:
+ Phiên 1: Nguồn nhân lực có kỹ năng-Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia dưới sự điều hành dự kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Phiên 2: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp-Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, dự kiến dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
+ Phiên 3: Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao Huân chương lao động và bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tay nghề thế giới và ASEAN, các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Ngoài ra các hoạt động bên lề sẽ được tổ chức gồm 5 hội thảo:
-Hội thảo 1: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0.
-Hội thảo 2: Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp-Góc nhìn từ doanh nghiệp.
-Hội thảo 3: Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp.
-Hội thảo 4: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề-Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.
-Hội thảo 5: Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, các hoạt động triển lãm mô hình, trang thiết bị đào tạo tiên tiến đi cùng hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn…cũng sẽ được thực hiện trong khuôn khổ diễn đàn.
Dự kiến, diễn đàn sẽ thu hút sự 1.500 đại biểu cả trong và ngoài nước tham dự.

Hà Nội đầu tư hơn 70 tỷ đồng đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn
UBND TP. Hà Nội vừa thông qua kế hoạch đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018 với nguồn kinh phí đầu tư khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư