Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau: Cần 200 tỷ đồng để triển khai các công trình chống sạt lở khẩn cấp
Chí Bắc - 16/05/2017 20:29
 
Cà Mau hiện có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất khoảng 450 ha đất ven biển, làm mất đai rừng phòng hộ, đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân, các công trình xây dựng cơ bản ven biển.
Một điểm sạt lở ven biển tại huyện U Minh. Ảnh: Chí Bắc
Một điểm sạt lở ven biển tại huyện U Minh. Ảnh: Chí Bắc

Trước tình trạng khẩn cấp này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh cần phải di dời khẩn cấp 8.700 hộ/13.800 hộ dân sống ven biển, ven sông do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 17 cụm tuyến dân cư nhưng chỉ mới bố trí được 370 hộ dân vào ở, nhưng thiếu việc làm, đời sống còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí triển khai đồng bộ.  

Tỉnh Cà Mau đang rất cần nguồn vốn 200 tỷ đồng để triển khai các công trình chống sạt lở khẩn cấp. Cụ thể là các đoạn: Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, chiều dài 1.000 m; Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, dài 2.000 m; Rạch Gốc, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, chiều dài 3.000 m; Hốc Năng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, dài 4.000 m.

Tỉnh Cà Mau cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở biển Đông.

Bên cạnh đó, với yêu cầu phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ cần thêm nguồn vốn khoảng 1.400 tỷ đồng thực hiện các dự án tái định cư, tạo sinh kế cho người dân…

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng, ngay từ bây giờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiến nghị Chính phủ có cơ chế để địa phương khẩn cấp đầu tư ngay các công trình, bởi nếu đợi đến mùa mưa bão sẽ khó thi công và khó ngăn được những đợt sóng to, gió lớn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc mới đây với một số lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng sạt lở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là phải bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo đảm cuộc sống cho người dân cũng như có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống, không để người dân bị thiếu đói, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu; có phương án hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở buộc phải di dời.

Về lâu dài, theo Phó Thủ tướng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác quy hoạch: “Các ngành, địa phương phải rà soát để kịp thời điều chỉnh những điểm còn chưa hợp lý, đồng thời quản lý tốt việc thực hiện các quy hoạch, gắn quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, quy hoạch sản xuất... với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cà Mau: Đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ hậu cần du lịch tại huyện Ngọc Hiển
Nhằm tăng cường những giải pháp phát triển ngành Du lịch từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã triển khai Quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư