Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Nguyên nhân vụ sạt lở 'nuốt' chục ngôi nhà ở An Giang?
Hoài Thanh (Vietnamnet) - 25/04/2017 08:42
 
Người dân có nhà cửa bị nhấn chìm xuống sông trong vụ sạt lở kinh hoàng ở An Giang khẳng định, nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi…
TIN LIÊN QUAN
Đồng Tháp, An Giang, sạt lở, sạt lở ở miền tây, nhà dân bị hà bá cuốn
Ông Trần Văn Bi khẳng định khai thác cát trên sông khiến 2 căn nhà hàng tỉ đồng của ông bị sạt lở

Sạt lở do khai thác cát?

Ngày 24/4, P.V VietNamNet trở lại khu vực sạt lở nghiêm trọng ở sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) khiến 16 căn nhà rơi xuống sông.

Người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng và cho biết, từ trước đến nay, chưa bao giờ vùng quê yên bình này lại “nóng” như vậy.

Tại đây, đi đến đâu cũng thấy biển báo nguy hiểm, cấm vào khu vực sạt lở. Lực lượng công an, dân quân lập chốt kiểm tra gắt gao không cho người dân vào khu vực sạt lở.

Nói về nguyên nhân, ông Trần Văn Bi – người có hai căn nhà bị nhấn chìm xuống sông chỉ đích danh việc khai thác cát trên sông là nguyên nhân gây ra vụ việc.

“Ở đầu và cuối 2 đoạn sông này đều có điểm khai thác cát. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ sạt lở vừa rồi. Hiện việc thai thác cát này diễn ra quanh năm...”, ông Bi bức xúc nói và cho biết, vụ sạt lở vừa qua khiến gia đình ông thiệt hại gần 5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dần (ngụ ấp Bình Thiện, xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú) – nhà bên kia sông đối diện nơi sạt lở cho biết, cách điểm sạt lở khoảng 2km về thượng và hạ nguồn đều có điểm khai thác cát.

Đồng Tháp, An Giang, sạt lở, sạt lở ở miền tây, nhà dân bị hà bá cuốn
Ông Nguyễn Văn Dần kể lại sự việc

“Ở điểm hạ nguồn họ bắt đầu khai thác cát khoảng 1 năm nay, còn điểm thượng nguồn đã khai thác lâu rồi. Riêng điểm gần vụ sạt lở thì chưa xảy ra khai thác cát... ”, ông Dần nói và cho biết, làm nghề đánh bắt cá trên sông này đã mấy chục năm nên biết tại nơi xảy ra sạt lở nước chảy rất xoáy.

“Thời điểm xảy ra, tôi nằm bên này nhìn sang thì lấy nhà cửa bên đó đổ ầm ầm xuống sông. Nước sông rút rất nhanh, gần 10 chiếc xuồng đều đứt dây hết do lực hút từ điểm sạt lở quá mạnh”, anh Quý chủ bến đò gần đó tiếp lời ông Dần.

Sạt lở do hố xoáy

Theo quan sát của PV, hai điểm khai thác cát mà người dân nhắc đến nằm cách nơi sạt lở khoảng 2- 4km. Còn tại nơi sạt lở là ngã 3 sông, nơi có nhiều tàu thuyền, trong đó có sà lan chở cát thường xuyên qua lại.

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, theo quan trắc của Sở TN&MT tỉnh An Giang, dưới lòng sông tại điểm sạt lở không có cát, chỉ có hố xoáy.

“Hố xoáy này đã có từ lâu, hơn chục năm rồi. Còn việc khai thác cát ở khu vực này thì tôi chưa nghe ai phản ánh”, ông Thao nói và cho biết, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, ông không nhớ rõ là trên sông Vàm Nao có doanh nghiệp nào được khai thác cát hay không.

Trước thông tin người dân cho rằng, cách điểm sạt lở khoảng vài km về thượng và hạ nguồn có điểm khai thác cát, ông Thao cho biết, chưa nắm được thông tin này và sẽ cho kiểm tra ngay.

Theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, sông Vàm Nao (thuộc hai xã Kiến An và Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) là đoạn có độ dài sạt lở đến 7.000 m. Từ khu vực phà Thuận Giang về hạ nguồn có 1.500m tiếp tục bị xâm thực, gây sạt lở mạnh, lấn sâu vào đất liền từ 2 – 5m.

Nguyên nhân chính gây sạt lở là do sự phát triển mở rộng bãi bồi phía Tân Trung làm trục dòng chảy chính nên đáy sông lệch về phía bờ Chợ Mới. Kết quả đo lòng sông sâu nhất là -20m khi cách bờ Kiến An và -40m khi cách bờ Mỹ Hội Đông. Vách bờ sông thẳng đứng, cộng thêm tác động do sóng hình thành bởi gió mùa Tây Nam, đào khoét tạo hàm ếch làm tăng độ sạt lở tại đây.

Khai thác cát ảnh hưởng xa hàng 100km

Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, vụ sạt lở ở Vàm Nao vừa qua không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà nó là hiện tượng mang tính quy luật. Đây được xem là sự cảnh tỉnh đối với ĐBSCL, bởi sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL trong những năm qua diễn ra nghiêm trọng.

“Hiện nay sạt lở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Bờ sông đang sạt lở tứ tung, chưa thống kê hết..." thạc sĩ Hữu Thiện nói và cho biết, nguyên nhân sạt lở có nguyên nhân tại chỗ và trên toàn hệ thống.

Ông giải thích, xét tại một địa điểm sạt lở nào đó thì có thể do dòng chảy thay đổi, tàu thuyền, do xây dựng nhà sát bờ sông, do gần hố xoáy…

Nhưng nếu chỉ xét những nguyên nhân tại chỗ thì sẽ không đủ để lý giải cho tình trạng sạt lở khắp nơi, ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL mà cần phải xét sự mất cân bằng của hệ thống dòng sông. Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng...

“Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển trên diện rộng ở ĐBSCL hiện nay là do sự mất cân bằng do thiếu phù sa mịn và cát sỏi”, ông Thiện nói và cho biết, do các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông MeKong nên lượng phù sa về các năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng.

Đồng Tháp, An Giang, sạt lở, sạt lở ở miền tây, nhà dân bị hà bá cuốn
Hiện trường vụ sạt lở nhìn từ dưới sông lên

“ĐBSCL trong 20 năm qua, cát trên Sông Tiền và Sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều. Một nghiên cứu cho biết, so sánh hình thái dòng sông ở ĐBSCL từ 1998 - 2008, sông Tiền và Sông Hậu đã mất 200 triệu tấn cát, làm lòng sông của hai con sông này bị hạ thấp trung bình 1,3 mét, có những nơi khai thác cát tạo ra những hố rất sâu”, ông Thiện dẫn chứng. 

Vẫn lời chuyên gia này, khai thác cát không phải chỉ ảnh hưởng tại chỗ mà ảnh hưởng xa hàng trăm km trên toàn bộ hệ thống sông bởi vì có những hố sâu mà năm sau cát về cũng không thể vượt qua, đi tiếp được, nên bên dưới thiếu cát và dòng chảy sẽ lấy cát để tự điều chỉnh.

“Với tình hình chắc chắn cát không về ĐBSCL trong tương lai, số cát còn lại ở Sông Tiền, Sông Hậu phải được xem là tài nguyên quí, cần phải gìn giữ cẩn thận, không nên khai thác bừa bãi hoặc bán rẻ. Trong tương lai 10 năm hay vài chục năm tới, cát sẽ trở nên khan hiếm và giá cát sẽ tăng rất cao”, ông Thiện nói phải tổng điều tra lại trữ lượng cát còn lại. Cần có quy hoạch tổng thể về khai thác cát cho toàn bộ 2 nhánh sông, không thể để tự mỗi tỉnh cấp phép trong phạm vi tỉnh mình vì tác động trên của việc khai thác cát không phải chỉ tại chỗ mà ảnh hưởng đến toàn bộ hình thái dòng sông và sạt lở bờ biển. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác cát lậu.

“Trước mắt, để tránh thiệt hại tài sản nhà cửa của người dân thì cần khẩn trương khảo sát lập bản đồ những vùng nguy cơ cao để chủ động di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm và không cho phép xây dựng nhà cửa, công trình gần bờ sông ở những nơi nguy cơ cao”, ông Thiện khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư