Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn
Nguyệt Thanh - 23/03/2020 18:33
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh; các Huyện ủy, Thành ủy thành phố Cà Mau; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Hạn hán đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Cà Mau.
Hạn hán đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra; xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn hán và nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách để huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Các sở, ban, ngành chức năng cấp tỉnh phải kịp thời hướng dẫn công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra đối với từng lĩnh vực, theo từng cấp độ, sát với thực tế. Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nhận định tình hình, thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan và người dân để chủ động ứng phó; tăng cường tần suất cung cấp thông tin trong thời gian diễn ra thiên tai. Các cơ quan báo, đài, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương; hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các tổ chức đoàn thể các cấp... tổ chức tuyên truyền kịp thời đến nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung, tần suất phù hợp theo nội dung, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, đảm bảo mọi thông tin cần tuyên truyền, hướng dẫn phải đến người dân kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến giao thông nằm ven sông, kênh, rạch đã và có nguy cơ sụp lún, sạt lở để triển khai ngay việc lắp đặt biển cảnh báo, cấm phương tiện lưu thông; tháo dỡ công trình, giảm tải bờ sông; gia cố vị trí có dấu hiệu sạt lở; khắc phục những vị trí sạt lở, sụp lún đường nông thôn huyết mạch đảm bảo cho phương tiện lưu thông.

Trên địa bàn đã công bố thiên tai, UBND cấp huyện, cấp xã huy động nhân dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; thực hiện các biện pháp khắc phục theo hướng dẫn của ngành chức năng; cân đối, bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và huy động các nguồn phù hợp khác để chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổng hợp tình hình thiệt hại, phối hợp với Sở Tài chính rà soát các nguồn kinh phí phù hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố Cà Mau thực hiện công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai đối với những nhiệm vụ ngoài khả năng cân đối của các địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại cụ thể các đối tượng theo từng nhóm hộ khó khăn về nước sinh hoạt, đề xuất biện pháp hỗ trợ. Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, nguồn Trung ương hỗ trợ khẩn cấp ứng phó hạn hán và các nguồn phù hợp khác để UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương kịp thời.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn địa bàn, đối tượng, đề xuất phân bổ vốn, vật tư, thiết bị hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả.

UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc rà soát, phân loại đối tượng để được xem xét hỗ trợ; chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ; phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện các công trình nước sạch trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực từ nay đến tháng 6/2020; cung cấp tài liệu, hướng dẫn điều chỉnh lịch thời vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật sản xuất cụ thể cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Hướng dẫn chính quyền địa phương cập nhật tình hình sản xuất, định kỳ báo cáo hàng tuần để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn xử lý.

UBND cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo sản xuất, các ngành chức năng phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền cấp xã kịp thời triển khai biện pháp kỹ thuật sản xuất; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chỉ đạo các cấp hội phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp sản xuất theo hướng dẫn ngành chuyên môn.

Sở Nông nghiệp và Phát triến nông thôn tổ chức kiểm tra tình hình chỉ đạo sản xuất của chính quyền các cấp; cấp trên phải kiểm tra cấp dưới, đảm bảo tất cả các địa bàn sản xuất đều được kiểm tra, hướng dẫn nhân dân điều chỉnh sản xuất; việc kiểm tra phải được thực hiện định kỳ trong thời gian chịu tác động hạn hán.

Sở Công Thương phối hợp theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo tình hình các thị trường xuất khẩu thủy sản để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó; kịp thời đề xuất biện pháp và triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, trong hoạt động xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch bệnh Covid-19; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhất là mặt hàng tôm, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất của nông dân, đồng thời đảm bảo nguyên liệu cho chế biến cho các doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, diễn biến tình hình thực tế, khuyến cáo các chủ rừng và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án được duyệt; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo; tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các chủ rừng, các địa phương, nhân dân trên lâm phần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, vận động hỗ trợ, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy thành phố Cà Mau, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, phòng, chống thiệt hại do hạn hán; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện khắc phục hạn hán về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, phải báo cáo ngay với Chủ tịch UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo, xử lý kịp thời.

[Infographic] Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn ở diễn ra gay gắt trong tháng 3
Từ ngày 11-15/3/2020, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư