Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Các mẹ xoay xở quanh giá sữa
- 14/06/2013 07:32
 
Các bà mẹ đang bớt dần tâm lý chuộng sữa ngoại, hàng xách tay và chọn thương hiệu nổi tiếng bất chấp giá tăng bao nhiêu đi chăng nữa.
TIN LIÊN QUAN

Khi con vừa bước qua tuổi thứ hai, chị Thu Giang, (Cầu Giấy, Hà Nội) nghĩ ngay đến việc cắt giảm khẩu phần sữa của con. Kinh tế không dư dả, lâu nay chị cho con uống các loại sữa công thức nội từ Dielac, Vinamilk nhưng cũng đã ngốn tiền triệu mỗi tháng. "Cố gắng cho con uống sữa 2 năm, nay con đã cứng cáp nên giờ tôi quyết định cho con chuyển sang uống sữa tươi", chị Thu Giang nói. Nhờ đó, giờ đây mỗi tháng chị tiết kiệm được trên dưới 300.000 đồng so với trước.

Tốn kém hơn chị Giang ở khoản tiền sữa cho con, một bà mẹ khác là chị Ngà trên một diễn đàn của các ông bố bà mẹ cho hay chị thường tốn hai ba triệu tiền sữa cho con một tháng vì con chị uống sữa Icreo xách tay từ Nhật, mỗi hộp giá đã 760.000 đồng.

Trước đây chị tiết kiệm bằng cách mua nhiều hộp một lúc sẽ được chiết khấu vài ba phần trăm. Nhưng nay bà mẹ này phải thắt lưng buộc bụng thêm bằng cách chuyển sang sữa khác rẻ hơn. Lúc đầu chị cho con uống dòng rẻ nhất trong các loại sữa Nhật là Wakodo, nhưng sau không kham nổi lại chuyển tiếp sang sữa nội. "Trước đây 'sính ngoại' một chút cũng vẫn cố gắng được. Nhưng từ năm ngoái đến nay chồng mình bị giảm lương cắt thưởng, hộp sữa của con cũng thành vấn đề lớn", chị Ngà nói.

sua-1371117848_500x0.jpg

Qua nhiều lần tăng giá, sữa giờ đây trở thành mặt hàng xa xỉ, cần phải cắt giảm đối với nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Hà

Đối với các bà mẹ, sữa lâu nay vẫn được xem là mặt hàng "thiết yếu" quan trọng không kém gì cơm gạo. Do đó, trước đây dù các hãng sữa đua nhau tăng giá, người tiêu dùng vẫn bấm bụng cắt xén bớt các khoản khác để mua.

"Nhưng nay thì dân làm gì còn tiền nữa mà mua. Từ đầu năm đến giờ, các hãng cũng chỉ tăng giá vài lần chứ không điều chỉnh vèo vèo như hai năm trước", ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ một đại lý sữa, nước giải khát các loại ở phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết.

Theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, lần đầu tiên doanh số bán sữa giảm xuống thay vì tăng trưởng hoặc ổn định như các năm trước. Giảm nhiều nhất là các loại sữa ngoại đắt tiền hoặc sữa nước chuyên biệt, cao năng lượng và giá thành đắt đỏ. Trong khi đó, doanh số bán các loại sữa nội lại không giảm, thậm chí có phần nhích lên. Sữa tươi vẫn là mặt hàng tiêu thụ đều đặn không bị ảnh hưởng bởi trào lưu thắt lưng buộc bụng.

"Số lượng giảm không nhiều lắm, nhưng cũng là một hiện tượng cho thấy người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen. Trước cứ cố uống càng nhiều càng tốt, con 5 tuổi rồi vẫn uống sữa công thức, thì bây giờ ăn thêm cơm bớt sữa cũng được", ông Dũng bình luận.

Còn đại diện cho các nhà siêu thị, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay doanh số bán sữa tại các siêu thị trong thành phố giảm khoảng 5% so với trước đây. Báo cáo từ các siêu thị về cho thấy lực mua đang chậm lại. Trước đây hộp sữa to bán chạy thì nay người ta chuyển sang mua hộp nhỏ và mua từng hộp một. Sữa ngoại, sữa đắt tiền đang dần nhường chỗ cho sữa nội.

"Sữa là mặt hàng đặc biệt nên doanh số không giảm nhiều như thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhưng cũng cho thấy túi tiền người dân đang dần teo tóp lại", ông Phú nói. Theo ông, trên thực tế, thu nhập người dân đã giảm 50% so với trước, khiến họ bất đắc dĩ phải cắt giảm cả sữa, vốn trước đây là sản phẩm được ưu tiên nhất nhì trong giỏ đồ thực phẩm của cả gia đình.

"Nếu tình trạng thất nghiệp, giảm lương cắt thưởng không tiến triển, nếu các doanh nghiệp vẫn còn chết nhiều như hiện nay, người tiêu dùng sẽ còn phải cắt giảm chi tiêu thêm nhiều thứ", ông Chủ tịch Hiệp hội nhận xét.

Thanh Bình

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư