Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Các ngành xuất khẩu chục tỷ USD lo kinh doanh cuối năm
Thế Hải - 28/06/2022 10:40
 
Mặc dù tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu 6 tháng khá tích cực nhưng đã xuất hiện những chỉ dấu khiến các ngành hàng lớn như dệt may, da giày lo lắng trong nửa cuối năm 2022.
TIN LIÊN QUAN
Giá xăng dầu tăng mạnh tiếp tục đẩy chi phí logistic lập kỷ lục mới
Giá xăng dầu tăng mạnh tiếp tục đẩy chi phí logistic lập kỷ lục mới, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn.

Hoạt động sản xuất phục hồi trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, nhưng nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đang lo ngại về triển vọng kinh doanh xuất khẩu trong chặng đường cuối năm 2022.

Những lo lắng này được các Hiệp hội ngành hàng "kêu" với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin, những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp da giày đã hồi phục sản xuất mạnh mẽ, có nhiều đơn hàng hơn, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu chính cho ngành vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.

Ngành dệt may cũng có kết quả tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay. Số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas),  kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đạt 13 tỷ USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas cho hay, doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Vitas cho hay, tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%.

Báo cáo cập nhật ngành dệt may của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra trước đó cũng dự đoán tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. 

SSI nhận định, toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistic và nhân công tiếp tục neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng trong 2 năm đại dịch 2020-2021 đã khiến các ngành hàng, doanh nghiệp thiệt hại đủ đường, nhưng từ đầu năm 2022, dưới tác động không mong muốn của xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá xăng dầu, than, phân bón, hóa chất tăng rất mạnh, đẩy chi phí logistics vốn đã ở mặt bằng rất cao thiết lập kỷ lục mới..

Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Chi phí logistics đã và đang làm oằn vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn nặng nề hơn trong năm nay.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Hiện chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất hơn 400 triệu đồng. 1 doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ loigictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.

Các hiệp hội, ngành hàng từ dệt may, da giày, thủy sản, điện tử...đều kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics. Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, phí logistics của Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trên thế giới, do đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, từ các ý kiến của các hiệp hội ngành hàng, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm, để đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư