Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang thị trường chứng khoán Đông Nam Á
T.T - 27/08/2024 09:09
 
Việc Mỹ tăng mức thuế áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc đã cản trở xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn đến việc ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất được chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Quang cảnh thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi kỳ vọng về khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất tăng lên, các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á để tìm kiếm các thị trường được hưởng lợi từ môi trường lạm phát được kiểm soát.

Trong vài năm qua, các nước Đông Nam Á đã vật lộn với lạm phát leo thang trên toàn cầu và đồng USD mạnh. Lạm phát gây áp lực lên nhu cầu trong nước, trong khi đồng nội tệ yếu làm tăng gánh nặng từ các khoản nợ định giá bằng đồng bạc xanh.

Nền kinh tế ảm đạm và đồng tiền yếu đã dẫn đến dòng vốn chảy khỏi khu vực. Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu thay đổi khi lạm phát ổn định và các loại tiền tệ của Đông Nam Á tăng giá.

Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã tăng vọt lên mức cao mới kể từ giữa tháng 8/2024, với Chỉ số tổng hợp Jakarta của Indonesia đạt mức kỷ lục vào ngày 21/4. Chỉ số tổng hợp Kuala Lumpur của Malaysia trước đó một ngày cũng đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Chỉ số ASEAN tính bằng USD của chỉ số chứng khoán MSCI đã tăng 6% tính từ đầu tháng Tám đến nay, nhờ tác động kết hợp của giá cổ phiếu tăng và các loại tiền tệ mạnh hơn. Trong cùng thời gian đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 tại Phố Wall chỉ tăng 2%.

Đợt tăng giá của cổ phiếu Đông Nam Á được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế thường niên ở Jackson Hole, Wyoming vào ngày 23/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng rủi ro lạm phát tăng đang suy yếu và đã đến lúc Fed phải điều chỉnh chính sách.

Khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á đã thu hẹp, giúp các loại tiền tệ của khu vực này mạnh lên so với USD. Đồng ringgit của Malaysia đã giao dịch ở mức cao nhất trong 16 tháng so với đồng bạc xanh vào đầu tháng này.

Đồng USD suy yếu cũng tạo ra động lực cho các thị trường mới nổi khác như Nam Phi và Brazil. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã lưu ý đến mức tăng trưởng cao của các nền kinh tế Đông Nam Á.

Ngân hàng trung ương Malaysia báo cáo rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tăng 5,9% trong năm trong quý 4-6/2024, vượt dự báo của thị trường và đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý 10-12/2022. Tăng trưởng ở Việt Nam và Thái Lan cũng tăng tốc trong quý 2/2024, lần lượt ở mức 6,93% và 2,3%.

Triển vọng chung của khu vực Đông Nam Á cũng khá tươi sáng trong dài hạn.

Theo một cuộc khảo sát chung của tổ chức tư vấn Angsana Council có trụ sở tại Singapore, công ty tư vấn Bain & Co. của Mỹ và Ngân hàng DBS, sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 5,1% trong giai đoạn 2024 - 2034. Vào cùng giai đoạn, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo là 3,5 - 4,5%.

Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ leo thang. Việc Mỹ tăng mức thuế áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc đã cản trở xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn đến việc ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất được chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực như xe điện (EV) và pin EV, trong khi các doanh nghiệp lớn cũng chi tiêu mạnh mẽ vào mảng sản xuất thiết bị bán dẫn và trung tâm dữ liệu tại Malaysia và Singapore.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt mức kỷ lục 229,8 tỷ USD trong số liệu sơ bộ cho năm 2023, với mức tăng đáng kể ở Singapore, Việt Nam và Campuchia.

Ông Jeff Suteesopon, quản lý danh mục đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính LGT Securities của Thái Lan, cho biết, nhìn chung các thị trường chứng khoán của ASEAN có phần tụt hậu so với các thị trường Bắc Á như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, chủ yếu do thiếu các cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, nếu những “cơn sốt” trong lĩnh vực công nghệ tạm dừng, thị trường có thể gia tăng quan tâm đối với các thị trường ASEAN.

Doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực xây dựng nhà máy tại Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư