Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Các nước G7 đạt thỏa thuận lịch sử về cải cách thuế toàn cầu
Lê Quân - 06/06/2021 17:45
 
Các nước G7 đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% do Mỹ đề xuất, nhằm tạo sân chơi bình đẳng trong thu hút những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Bộ trưởng tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak (từ trái sang), Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, và Bộ trưởng tài chính Canada Chrystia Freeland trò chuyện trong ngày đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 diễn ra ngày 4/6 tại London. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak (từ trái sang), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, và Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland trò chuyện trong ngày đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra ngày 4/6 tại London. Ảnh: AFP

"Sau nhiều năm thảo luận, Bộ trưởng Tài chính của các nước G7 hôm nay đạt được một thỏa thuận lịch sử để cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số, và quan trọng là đảm bảo công bằng rằng doanh nghiệp phải trả thuế tương xứng theo đúng nơi quy định", Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak nhấn mạnh trong một tuyến bố bằng video hôm 5/6.

"Nó thật phức tạp và đây là bước đi đầu tiên", Bộ trưởng Rishi Sunak nói.

Nếu được thực thi, thỏa thuận trên sẽ là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thuế toàn cầu. Lãnh đạo các nước G7, gồm: Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Mỹ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Vương quốc Anh vào tuần tới.

Việc đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% cũng sẽ tạo động lực cần thiết cho các cuộc đàm phán sắp tới tại Paris vốn đã được lên kế hoạch với 135 quốc gia. Bộ trưởng Tài chính của các nước G20 dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Venice trong tháng 7.

Theo đài DW của Đức, động thái của G7 nhằm buộc các công ty đa quốc gia, đặc biệt là những "gã khổng lồ" công nghệ, đóng góp nhiều hơn vào ngân khố của chính phủ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng cam kết của G7 đối với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% là "điểm khởi đầu", đồng thời khẳng định sẽ nâng mức thuế doanh nghiệp lên cao hơn nữa.

"Đây là điểm khởi đầu và trong những tháng tới chúng tôi sẽ đấu tranh để đảm bảo rằng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu này càng cao càng tốt", Bộ trưởng Le Maire nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết động thái này sẽ "giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, bằng tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh trên những cơ sở tích cực".

Đề xuất của Mỹ tập trung vào hai mục đích chính là thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và thay đổi các quy tắc đặc biệt về thu thuế doanh nghiệp và nơi nộp thuế.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ được áp dụng đối với 100 doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới. 

Ông Alex Cobham, Giám đốc điều hành Mạng lưới tư pháp thuế (TJN), gọi động thái này của G7 là một "khoảnh khắc lịch sử" nhưng nó là điều "rất không công bằng". Chuyên gia này cho rằng mức thuế doanh nghiệp nghiệp tối thiểu toàn cầu lẽ ra phải ít nhất 25%.

"Cách G7 đang thực hiện vấn đề này (cải cách thuế) với mức thuế thấp như vậy… có nghĩa là lợi ích sẽ nhỏ hơn nhiều so với những gì họ có thể đạt được", ông Alex Cobham nói.

Về phía doanh nghiệp, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết công ty này hoan nghênh cam kết của G7, bất luận rủi ro phải đóng thuế nhiều hơn. "Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ quan trọng", Phó chủ tịch Facebook Nick Clegg cho biết, đồng thời nhấn mạnh "điều này có thể có nghĩa là Facebook phải trả thuế nhiều hơn và ở những nơi khác nhau".

Trong khi người phát ngôn của "gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Mỹ Amazon cho biết kế hoạch đánh thuế của G7 là "một bước tiến đáng hoan nghênh". "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc thảo luận tiến triển với G20 và liên minh bao trùm rộng hơn", đại diện Amazon nói thêm.

Còn Google tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ việc cập nhật các quy tắc đánh thuế quốc tế. "Chúng tôi hy vọng các quốc gia tiếp tục phối hợp để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và lâu dài sẽ sớm được hoàn tất", người phát ngôn Google cho biết.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có thể mở ra các liên minh địa chính trị
Các nhà phân tích cho rằng có thể xuất hiện các liên minh địa chính trị trong những năm tới một khi các nước G7 ủng hộ đề xuất thuế doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư