Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Các ông lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc “cày xới” thị trường game Việt
Anh Hoa - 04/12/2018 15:55
 
Thị trường game Việt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng chiếc bánh khổng lồ này vẫn do các ông lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thâu tóm.

Tung bom tấn 

Lâu lắm rồi, tại Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2018) đang diễn ra, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới được “đi bão” nhiều như thế. Những chàng trai say mê môn thể thao vua, các cô gái từng phát sốt với “hiện tượng U23” hồi đầu năm… hứng thú hòa mình vào biển người trên phố…  

.
Việt Nam đảm bảo một nguồn người tiêu dùng khổng lồ cho các sản phẩm và dịch vụ game mới.

Tình cảm sục sôi của người hâm mộ Việt Nam giành cho đội tuyển quốc gia cùng đội tuyển Liên quân Mobile tại Asian Games 2018 đã gây được nhiều tiếng vang. Từ thực tế này, ông Konoshita Tatsuya, Tổng giám đốc Tập đoàn Showa Holdings (Nhật Bản) nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong các trò chơi game. 

“Giới trẻ Việt Nam dần được tiếp xúc nhiều hơn với các hoạt động giải trí, biết vui chơi và tận hưởng qua tình yêu bóng đá. Trong tương lai, chúng tôi muốn mang nhiều nội dung giải trí mới đến với người Việt Nam hơn. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ cách thức để tận hưởng tối đa các hoạt động giải trí mới này”, ông Tatsuya nói.

Việc phân phối game TCG “Bộ cờ bóng chuyền Haikyu” là bước đi đầu tiên của ông Tatsuya tại thị trường Việt Nam. Đây là card game chiến thuật hàng đầu Nhật Bản, lần đầu tiên được Việt hóa và phát hành chính thức tại Việt Nam bởi Công ty Showa Brain Navi Việt Nam. Game được xây dựng dựa theo bộ truyện tranh nổi tiếng Haikyu!! của Nhật Bản, đã được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành với tên gọi “Haikyu!! Chàng khổng lồ tí hon”. 

Với lối chơi hấp dẫn, mang đậm tính chiến thuật, game hứa hẹn sẽ trở thành cơn sốt trong giới trẻ Việt Nam. Hiện Việt Nam là thị trường thứ 3 trên thế giới chính thức phát hành trò chơi này, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Trước đó, “bom tấn” Hàn Quốc đổ bộ thị trường game Việt với tên gọi MU Strongest do VNG phát hành từ nhà sản xuất game danh tiếng - Webzen. Trò chơi kinh điển MU của 15 năm trước đã được tái hiện trên điện thoại di động.

Là một nhà phát hành và phân phối game số một Việt Nam, VNG cũng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, con người để “bom tấn” Hàn Quốc sẵn sàng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong phân khúc MU nói riêng và thị trường game MMORPG nói chung (thể loại game nhập vai trực tuyến, nhiều người chơi, rất hot từ năm 2012 trở về trước). MU Strongest được tối ưu trên di động để phù hợp với người yêu thích giải trí trên các ứng dụng di động. 

Tìm đối tác Việt 

Game TCG “Bộ cờ bóng chuyền Haikyu” mang đến cho người chơi những trải nghiệm ảo, giúp người chơi rèn luyện khả năng tư duy chiến lược qua các yếu tố quản lý nguồn lực, lên kế hoạch và thực hiện. Đây là điều cần thiết để phát triển sự nghiệp trong tương lai của thế hệ trẻ. Nếu muốn con cái trở thành những doanh nhân thành đạt, hay có thể tự mở công ty riêng trong tương lai, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn TCG cho con mình.

Đó là những phân tích mà Tổng giám đốc Tập đoàn Showa Holdings đáp lại những nghi ngờ về ý nghĩa của game với giới trẻ. Showa Holdings sẽ ưu tiên vào việc giúp khách hàng được trải nghiệm vui chơi, sau đó mới tính tới các chỉ số về kinh doanh.

Đáng chú ý, ngoài  mục tiêu thâm nhập thị trường game Việt với nhiều game khác nhau sau khi phát hành game Haikyu, ông Tatsuya kỳ vọng sẽ hợp tác với những người kiến tạo nội dung của Việt Nam, hoặc hợp tác đào tạo những người sáng tạo Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế để có thể đưa ngành công nghiệp xuất khẩu game của Việt Nam phát triển và xuất khẩu những loại hình game mới ra thế giới. 

Vài năm trở lại đây, thị trường game Nhật đang thoái trào vì game thủ có xu hướng thích game Trung Quốc, nên các nhà sản xuất khá lúng túng, muốn tìm kiếm hướng mở ra ngoài, về phía châu Âu và Việt Nam. 2 năm trước, từng có 15 doanh nghiệp sản xuất game Nhật Bản đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư. Song tương lai của sự hợp tác còn khá mờ nhạt, dù trước đó DeNA Nhật và VNG đã bắt tay lâu năm. 

Ông Yoji Kawaguchi, đại diện Hiệp hội Trò chơi trực tuyến Nhật Bản JOGA nhìn nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này. Nhưng khi đánh giá thực trạng hoạt động giữa hai thị trường, các doanh nghiệp đều nhìn thấy những rào cản khó vượt qua.

Đó là tâm lý, thói quen chơi game của đông đảo game thủ Việt Nam khác game thủ Nhật Bản, nên rất nhiều trò chơi Nhật Bản đã cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam thời gian qua đều thất bại. Một nhà phát hành game lớn của Việt Nam cho biết, nhiều game phải đi qua cửa Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm trò chơi do doanh nghiệp Trung Quốc làm ra đang thịnh hành với cả giới trẻ Nhật Bản và Việt Nam. 

Trong khi đó, bản thân các studio games Việt lại chỉ đơn thuần gia công, chưa đủ lực xác định vị thế, hướng đi mạnh mẽ, không dễ hợp tác với đối tác Nhật. Ngoài ra, thói quen “phi bản quyền” đã tồn tại lâu nay trong quan hệ làm game giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng là vướng mắc khó vượt qua. 

Bài toán sống còn của game Việt

Hiện Đông Nam Á và Trung Quốc có ngành game phát triển nhanh nhất trên thế giới nhờ có số dân đông đảo, tỷ lệ người sử dụng Internet ngày một tăng và xu hướng tiếp cận công nghệ cao.

Google từng nhận định, các game studio của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu toàn cầu từ Google Play của các game studio ở Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 40 triệu USD, nếu tính thêm các kho ứng dụng khác như App Store, thì đạt khoảng 80 triệu USD. Tuy nhiên, so với 80 tỷ USD doanh thu của thị trường thế giới, thì con số này chỉ chiếm 0,1%, trong đó 70% thuộc về các nhà sản xuất game ngoại.

Doanh thu thị trường game mobile Việt Nam ước đạt 3.300 tỷ đồng trong năm 2018. Số liệu này dựa trên ARPU (Average Revenue Per User - Doanh thu trung bình trên một khách hàng) hiện tại ở khoảng 11,51 USD (273.000 đồng) và sẽ tăng trưởng liên tục đến năm 2022.
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6%, ước tính, thị trường này có thể đạt mốc 208 triệu USD vào năm 2022.
Mức độ thâm nhập của người dùng vào ngành game là 15,1% năm 2018 và sẽ đạt 15,3% trong 4 năm tới.
Nguồn: Công ty Nghiên cứu thị trường Statista

Việt Nam có trên 70% dân số trong độ tuổi lao động, 24% là thế hệ vàng và 40% dưới 25 tuổi. Điều này đảm bảo một nguồn người tiêu dùng khổng lồ cho các sản phẩm và dịch vụ mới trong những năm tới. Câu hỏi đặt ra đối với những người đang tham gia thị trường game là: Làm sao để có thể “sống” trên thị trường, khi các ông lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng “cày xới” mạnh hơn? Khi nào ngành game Việt mới đạt con số tỷ USD? 

Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, Tổng giám đốc VNG, game là một ngành gần như chắc chắn phải cạnh tranh với thị trường thế giới. Những nhà phát triển Việt Nam muốn tiến ra thế giới, cần tạo sự thay đổi để đáp ứng một thị trường rất lớn trên toàn cầu.

“Điều tất yếu là, để có thể thành công, phải phát triển những sản phẩm vào loại tốt nhất thế giới”, ông Minh nói và tiết lộ, VNG Game Studio (GST) đã thay đổi và phát triển trong 4 năm gần đây, đó là chuyển từ PC sang Mobile và tập trung phát triển sản phẩm cho thị trường thế giới. 

Trong năm 2016, cả đội ngũ GST đi ra thị trường thế giới, bắt đầu với các tựa game nổi bật như Sky Garden, Dead Target, Cube Farm 3D... Kết quả là các sản phẩm của GST đã có hơn 70 triệu người dùng mobile, có mặt tại hơn 233 quốc gia với 15 ngôn ngữ. Năm 2017, tựa game Sky Garden: Farm in paradise đã vượt qua 3.000 game của hơn 800 studio trên khắp thế giới. Nhiều sản phẩm khác của GST cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị để tiếp nối những thành tựu mang tính toàn cầu này.

Tuy nhiên, một trong những cổ đông nắm cổ phần chi phối tại VNG là Tencent - Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc với khoảng 30,20%. Tencent cũng là cổ đông lớn nhất của Garena (SEA Ltd). Game Liên Minh Huyền Thoại mà Garena đang gặt hái thành công tại Việt Nam là một trong những tựa game mà Tencent đang sở hữu.

Game Việt: Dám rời "ao làng" sẽ kiếm tỷ đô
Doanh thu ngành game Việt Nam có khả năng cán đích 1 tỷ USD nếu hướng mục tiêu phát triển ra quốc tế và thắng game ngoại trên “sân nhà”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư