Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nông, lâm, thủy sản
Minh Nhung - 15/03/2022 14:30
 
Sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta đã được xuất khẩu đến rất nhiều thị trường trên thế giới, nhưng vẫn cần tiếp tục mở rộng, tránh quá phụ thuộc vào một hay một vài thị trường truyền thống.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, rau quả, gạo, cao su, cà phê, sắn và sản phẩm sắn... là những mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, đã có mặt ở 65/80 thị trường chủ yếu.

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có quy mô kim ngạch lớn nhất (chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu), có mặt ở 40 thị trường chủ yếu, trong đó có 9 thị trường lớn, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia, Đức, Malaysia.

Mặt hàng có quy mô lớn thứ hai là thủy sản (chiếm 20,7%), có mặt ở 53 thị trường chủ yếu, trong đó có 17 thị trường đạt trên 100 triệu USD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Canada, Hà Lan, Australia, Thái Lan, Nga, Hồng Kông, Bỉ, Đài Loan, Italia...

Mặt hàng có kim ngạch lớn thứ ba là hạt điều (chiếm 8,5%), có mặt ở 31 thị trường chủ yếu, các thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Pháp... Dù xuất khẩu điều nhân hàng đầu thế giới, nhưng sản lượng điều thô sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm, số còn lại vẫn phải nhập khẩu. Trong thời gian tới, ngành điều cần chú trọng ổn định vùng nguyên liệu, tăng sản lượng ở trong nước.

Rau quả có kim ngạch lớn thứ tư (chiếm 8,3%), có mặt ở 28 thị trường, trong đó có 6 thị trường đạt trên 100 triệu USD là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... Vấn đề đặt ra đối với ngành rau quả là cần cơ cấu lại thị trường để tránh quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, đối với thị trường Trung Quốc, cần tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch.

Mặt hàng có kim ngạch lớn thứ năm là gạo (trên 7,6%), đã có mặt tại 28 thị trường chủ yếu, trong đó có 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD là Philippines, Trung Quốc, Gana, Bờ biển Ngà, Malaysia. Điểm lưu ý đối với ngành gạo trong thời gian tới là cần tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi, châu Âu.

Cao su là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 6 (chiếm 7,6%), có mặt ở 30 thị trường, trong đó có 2 thị trường đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 69,7%), tiếp đến là Ấn Độ. Yêu cầu đặt ra đối với ngành cao su là cần tăng chế biến để vừa nâng cao giá trị, vừa tạo điều kiện giảm nhập khẩu sản phẩm từ cao su và nhập cao su; mặt khác, cần tránh phụ thuộc xuất khẩu cao su vào thị trường Trung Quốc.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ bảy (chiếm 7,2%), có mặt ở 38 thị trường, lớn nhất là Đức, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Italia, Nga, Philippines, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bỉ... Thị trường cà phê còn khá rộng, nhất là thị trường EU còn rất tiềm năng. Các doanh nghiệp cần tranh thủ tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Sắn và sản phẩm sắn (chiếm gần 2,8%) chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm tới 93,4%), mới mở rộng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Thời gian tới, ngành này cũng cần chú trọng mở rộng thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”…

Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex: Tạo dấu ấn trên “bản đồ” xuất khẩu gia vị
Nguyễn Thị Huyền tự tin với những dự án lớn và kế hoạch chinh phục khách hàng, ghi dấu ấn của Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư