Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Các tỉnh vùng ĐBSCL chạy đua giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Huy Tự - 26/08/2023 09:39
 
Các tỉnh vùng ĐBSCL giải ngân vốn đầu tư công đạt khá so với cùng kỳ, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu, đặt áp lực giải ngân lên những tháng còn lại của năm.

Quyết liệt chạy đua với quỹ thời gian còn lại năm 2023

Tại Đồng Tháp, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là trên 6.500 tỷ đồng, đến ngày 15/8, kết quả giải ngân là 3.673,657 tỷ đồng, đạt 56,5%, cao hơn 17,29% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,21%.

Hiện, có 11/36 đơn vị giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Đài Phát thanh và truyền hình… Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị có mức giải ngân thấp như: Sở Y tế; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Trường Cao đẳng Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND TP Hồng Ngự, huyện Thanh Bình…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, nguyên nhân khiến một số dự án giải ngân chậm tiến độ là do thiếu nguồn cát xây lắp; giá vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công. Ngoài ra, công tác lập, đăng ký và giải ngân kế hoạch vốn chưa được một số chủ đầu tư quan tâm đúng mức…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa trái) khảo sát chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm trên địa bàn

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh ngày 23/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề nghị các cơ quan quản lý, chủ đầu tư cần nỗ lực giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023; khuyến khích các chủ đầu tư hoàn thành giải ngân sớm, đúng tiến độ. Đối với các dự án đang có dấu hiệu thừa hoặc thiếu vốn, đề nghị các chủ đầu tư sớm báo cáo để tỉnh kịp thời giải quyết.

Tại Trà Vinh, phát biểu tại cuộc họp về báo cáo tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai (đoạn 2021 - 2025) vào chiều 23/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn cho rằng, để đảm bảo tiến độ đề ra, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân đạt kết quả theo cam kết của tỉnh với Trung ương. Các cấp thực hiện đối với cơ sở phải có kiểm tra, giám sát chặt chẽ về triển khai các chương trình, nguồn vốn đầu tư. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, cần cụ thể từng nội dung, dự án để phân công trách nhiệm rõ ràng, hỗ trợ đúng đối tượng, người thụ hưởng...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát lại từng chương trình cụ thể và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng dự án trong chương trình. Đối với những khó khăn, vướng mắc của địa phương, cần được thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh kịp thời hỗ trợ, vào cuộc cùng với địa phương để tháo gỡ khó khăn - ông Hẳn nhấn mạnh.

Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 là 617,73 tỷ đồng (vốn kế hoạch năm 2023 là 468,59 tỷ đồng; vốn năm 2022 chuyển sang là 149,14 tỷ đồng). Đến ngày 18/8 giải ngân được 118,50/617,73 tỷ đồng, đạt 19,18% (vốn đầu tư 109/292,14 tỷ đồng, đạt 37,3%; vốn sự nghiệp 9,52/325,59 tỷ đồng đạt 03%). Vốn ngân sách địa phương đối ứng năm 2023: 216,29 tỷ đồng; qua đó, đã thực hiện giải ngân Chương trình Xây dựng nông thôn mới 84,26/170 tỷ đồng, đạt 49,6%, Chương trình giảm nghèo bền vững (tổng vốn 2,2 tỷ đồng) và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tổng vốn 44,09 tỷ đồng) chưa giải ngân.

Còn tại Cà Mau, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến cuối tháng 8/2023, Cà Mau giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, đạt tỷ lệ cao hơn so cùng kỳ và cao hơn bình quân cả nước. Ðây là nỗ lực rất lớn của địa phương, khi đồng thời với việc bố trí vốn cho các chương trình đầu tư phát triển mang tính thường xuyên thì nhiều công trình quy mô, trọng điểm được triển khai thi công quyết liệt... Nhiều nguồn vốn giải ngân đạt tỷ lệ cao như: vốn xổ số kiến thiết giải ngân trên; vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thành phố giải ngân và, vốn ngân sách Trung ương giải ngân... Có trên 10 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân trên mức bình quân chung của tỉnh.

Ðể có được kết quả như trên phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, chủ động, kịp thời và đầy quyết liệt ngay từ đầu năm của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Hàng loạt văn bản đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh ban hành hoả tốc, chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc các chủ thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình; nhất là đối với các công trình trọng điểm mang tính kết nối, tạo động lực khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Cà Mau, cho biết, các chủ đầu tư đã chủ động, tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (đối với các dự án chuyển tiếp); triển khai hoàn thiện các bước trình tự thủ tục hồ sơ để sớm khởi công dự án (đối với dự án khởi công mới năm 2023) nên giá trị và tỷ lệ giải ngân năm 2023 cao hơn cùng kỳ và đang tăng nhanh tỷ lệ.

Cần nhìn rõ bản chất vấn đề và làm rõ trách nhiệm

Tuy có nhiều phấn khởi khi hàng loạt dự án lớn trên địa bàn được triển khai, nhưng so với yêu cầu thì tỷ lệ giải ngân của một số tỉnh trong vùng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp và càng tạo ra nhiều áp lực cho giai đoạn từ nay đến cuối năm với mục tiêu phải giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% như chỉ đạo của Chính phủ và chỉ tiêu các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đề ra trong năm nay.

Nhiều nguyên nhân được phân tích tại các cuộc họp về giải ngân các địa phương chủ yếu còn vướng về mặt thủ tục và đang dần được tháo gỡ. Dự báo tỷ lệ giải ngân sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm…

Thực tế chỉ ra, khi phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp thì phần nhiều các chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án hay đổ lỗi cho vướng công tác giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thủ tục đầu tư phức tạp, quá trình thẩm định lâu…

Vấn đề đặt ra ở đây là các khó khăn và vướng mắc này đã trở thành cái khó chung của các địa phương trong cả nước chứ không riêng tỉnh nào. Vậy tại sao các địa phương này lại làm tốt, có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng cũng có những địa phương đạt tỷ lệ còn thấp, cá biệt có một số tỉnh trong vùng ĐBSCL mới chỉ đạt tỷ lệ xấp xỉ 1/3 kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Một trong những vấn đề cần được các ngành quản lý, các chủ đầu tư quan tâm ở đây chính là năng lực của các nhà thầu thi công. Bởi khi giải ngân vốn dầu tư công đạt thấp do công trình thi công không đạt tiến độ, nhiều dự án phải thi công kéo dài trong nhiều năm thì phần lớn các chủ đầu tư đổ lỗi cho năng lực nhà thầu hay đơn vị thi công. Nếu biết nhà thầu không đủ năng lực, thi công trì trệ thì tại sao các nhà thầu ấy liên tiếp trúng thầu? Thậm chí, chấp nhận cho nhà thầu tạm ứng vốn với số tiền lớn hàng chục tỷ đồng, nhưng nhà thầu lại không thi công, hoặc thi công cầm chừng, làm cho có.

Vấn nạn này không chỉ dừng ở việc vi phạm tiến độ và các cam kết trong thi công, mà còn là biểu hiện của việc chiếm dụng vốn Nhà nước để mưu lợi bất chính nếu như hàng chục tỷ đồng ấy được nhà thầu sử dụng cho mục đích khác, thậm chí gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất…?!

Cái đáng bàn và quan tâm, bức xúc nhất hiện nay là những nhà thầu như thế đang hiện diện ở nhiều công trình xây dựng cơ bản của nhiều địa phương trong vùng và gần như trúng rất nhiều công trình. Vậy thử hỏi, liệu có tồn tại trường hợp “lợi ích nhóm” giữa nhà thầu và các chủ đầu tư?

Đây là vấn đề cần được các cơ quan điều tra quan tâm, góp phần làm tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng và chủ động phòng tránh các công trình, dự án bị “móc ruột” gây thất thoát ngân sách nhà nước. Cùng với đó, chuyện nhà thầu quyết tâm đấu thầu với giá thấp, nhưng sau đó lại bán thầu hay giao công trình lại cho các nhà thầu khác nhằm hưởng chênh lệch không phải là không có…

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu đạt trên 95% như chỉ đạo của tỉnh đề ra từ đầu năm nay, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư làm tốt công tác phối hợp và có ngay giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu đã cho tạm ứng vốn nhưng không làm hoặc thi công chậm, hoặc điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ…

Cùng với đó, khi đã giao vốn thì phải yêu cầu nhà thầu tập kết vật liệu xây dựng và khẩn trương xây dựng công trình, tránh tình trạng nhà thầu chuyển vốn sang các dự án khác. Đối với những nhà thầu thiếu năng lực, có biểu hiện bán công trình cho các nhà thầu phụ, hay thi công nhiều dự án nhưng không đạt tiến độ đề ra thì kiên quyết không giao dự án dù có trúng thầu.

Đồng Nai giải ngân vốn đầu tư công thấp đáng báo động
Tính đến ngày 2/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Nai mới đạt gần 2.400 tỷ đồng (đạt hơn 18% so với kế hoạch), tỷ lệ giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư