Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Cách Trung Quốc vượt Mỹ để thống trị ngành công nghiệp đất hiếm
Hà Thu (vietnamnet/Bloomberg) - 12/06/2019 05:55
 
Trung Quốc coi đất hiếm là tài nguyên chiến lược từ gần 30 năm trước và hiện chiếm 70% sản xuất toàn cầu.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong gần như mọi sản phẩm, từ xe điện đến thiết bị quân sự. Mỹ từng là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới giai đoạn 1960 - 1980. Sau đó, hoạt động này dần chuyển ra nước ngoài. Quốc gia này hiện có 1,4 triệu m3 trữ lượng đất hiếm, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Công ty khai thác đất hiếm duy nhất tại đây là MP Materials.

Trong khi đó, gần 30 năm trước, Trung Quốc quyết định coi đất hiếm là tài nguyên chiến lược và cấm thực thể nước ngoài khai thác. Việc này đã mở đường giúp họ vượt Mỹ để trở thành nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới.

Hiện tại, Trung Quốc đóng góp tới 70% hoạt động sản xuất đất hiếm trên toàn cầu. "Với các ngành công nghiệp phi quân sự tại Mỹ, họ không có cách nào thoát phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc trong ngắn hạn", Oliver Nugent - nhà phân tích tại Citigroup nhận xét.

Đây là lý do đất hiếm được coi là vũ khí rất mạnh của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, do nhu cầu tài nguyên này rất lớn.

Theo Bloomberg, dưới đây là các số liệu cho thấy quy mô khổng lồ ngành công nghiệp này tại Trung Quốc.

1. 6 công ty sản xuất thống trị

Khai thác đất hiếm tại mỏ Baiyun Obo (Nội Mông, Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Khai thác đất hiếm tại mỏ Baiyun Obo (Nội Mông, Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Năm 2016, Trung Quốc sáp nhập các công ty khai thác thành 6 tập đoàn lớn. Mỗi năm, Bắc Kinh chia định mức sản xuất cho các doanh nghiệp này, để quản lý tốt hơn và duy trì tính bền vững của tài nguyên chiến lược. Năm ngoái, họ được phép khai thác tổng cộng 120.000 tấn oxide đất hiếm. Năm 2017, con số này là 105.000 tấn.

Trung Quốc dự định hạn chế sản lượng khai thác trong nước dưới 140.000 tấn cho đến năm 2020, nhằm bảo tồn tài nguyên. Hoạt động nung chảy và phân tách cũng sẽ giảm một phần ba so với mức năm 2015, theo kế hoạch 5 năm được ngành này công bố năm 2016. Đây cũng là nỗ lực tăng gấp đôi biên lợi nhuận cho ngành, lên 12%.

2. Các mỏ đất hiếm tại Trung Quốc

Baiyun Obo nằm ở Nội Mông (Trung Quốc), vận hành bởi công ty China Northern Rare Earth, hiện là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới. Mỏ này chiếm tới 83% tổng trữ lượng của Trung Quốc, chủ yếu là đất hiếm nhẹ. Các mỏ ở Sơn Đông chiếm 8% trữ lượng, Tứ Xuyên chiếm 3%. Trữ lượng còn lại nằm ở các tỉnh miền Nam, chủ yếu là nguyên tố đất hiếm dạng trung bình đến nặng, theo số liệu của Hiệp hội Ngành đất hiếm Trung Quốc năm 2017.

3. Xuất nhập khẩu

Trung Quốc đạt thặng dư thương mại về đất hiếm nhóm nhẹ. Đây là sản phẩm họ xuất khẩu chủ yếu. Nhưng ngược lại, Trung Quốc phải nhập khẩu đất hiếm dạng trung bình đến nặng, để đáp ứng sự thiếu hụt trong nước, theo số liệu của SMM Information & Technology.

Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát về số lượng hay chất lượng xuất khẩu. Các công ty chỉ cần đưa hợp đồng bán hàng để nhận giấy phép. Năm 2018, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng 3,6% lên 53.000 tấn, theo số liệu của Hải quan nước này. Xuất khẩu tăng dần đều kể từ năm 2013.

Tổng xuất khẩu đất hiếm và các sản phẩm từ đất hiếm, trong đó có nam châm vĩnh cửu, tăng 65,4% lên hơn 95.500 tấn năm ngoái. Trong đó, 20% là sang Mỹ. Khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc.

Trong khi đó, nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng tăng gấp đôi lên gần 70.000 tấn năm ngoái.

4. Khai thác trái phép

Nhờ các chiến dịch truy quét của chính phủ Trung Quốc, hoạt động khai thác và sản xuất trái phép đất hiếm đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây. Một báo cáo của Cục khảo sát Địa chất Mỹ cho biết năm ngoái Trung Quốc sản xuất 180.000 tấn oxide đất hiếm. Trong khi đó, hạn ngạch chính thức chỉ là 120.000 tấn.

5. Tiêu thụ sản phẩm

44% đất hiếm Trung Quốc được dùng trong nam châm vĩnh cửu. 10% sử dụng trong sản phẩm đánh bóng. 9% trong dầu mỏ và hóa dầu. Còn lại dùng trong máy luyện kim, thủy tinh, chất xúc tác và chiếu sáng.

6. Thiếu hụt nguồn cung nội địa

Nam châm vĩnh cửu dùng trong xe chạy nhiên liệu mới đang đẩy nhu cầu đất hiếm lên cao, khiến Trung Quốc ngày càng phải dựa vào nhập khẩu, trong bối cảnh sản xuất trong nước bị hạn chế.

Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc công bố định mức khai thác giai đoạn một là 60.000 tấn, giảm so với 73.500 tấn năm ngoái. Định mức giai đoạn sẽ sẽ được công bố trong tháng này.

Dù vậy, định mức ban đầu được đánh giá khá thấp, dù tổng nhu cầu tại Trung Quốc đã lên 180.000 tấn. Hồi tháng 3, Chen Zhanheng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Ngành đất hiếm Trung Quốc cho rằng việc này có thể khiến Trung Quốc phải tăng nhập khẩu.

Trung Quốc tính dùng “vũ khí” đất hiếm trả đũa Mỹ
Trung Quốc cân nhắc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, một thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, sang Mỹ để đáp trả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư