Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Cầm cương" giữ room tín dụng: Lý lẽ của cơ quan điều hành
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, dù nhiều khuyến nghị nên xóa bỏ. Tuy nhiên, những người làm chính sách vĩ mô có lý lẽ riêng để duy trì hạn mức này.

Những bước thăng trầm của câu chuyện hạn mức

Từ năm 1994, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh. Sau đó, việc áp dụng hạn mức tín dụng được mở rộng sang NHTM cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn nhằm hạn chế tốc độ cho vay, để kiểm soát lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, hạn mức tín dụng là một công cụ trực tiếp điều tiết lượng tiền trong lưu thông, NHNN có thể kiểm soát khá chặt chẽ tổng lượng tiền cung ứng. Công cụ này thực sự phát huy hiệu quả khi tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng cao và các công cụ gián tiếp khác tỏ ra kém hiệu lực.

“Trong điều kiện thị trường thứ cấp chưa phát triển, NHNN chưa thể sử dụng thị trường mở để kiểm soát sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán, thì việc sử dụng công cụ này là cần thiết”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, bản chất của hạn mức tín dụng là công cụ điều hành mang tính hành chính, can thiệp trực tiếp và chỉ được phân bổ đối với một số NHTM, nên phần nào hạn chế tính công bằng trong cạnh tranh. Đồng thời, hạn mức tín dụng cũng không được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường nên sẽ làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, năm 1998, NHNN đã không sử dụng hạn mức tín dụng như một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ, mà chỉ dùng khi cần hạn chế sự gia tăng tín dụng nhanh chóng, dẫn tới nguy cơ lạm phát cao.

Tuy nhiên, đến năm 2011, NHNN đã quay trở lại sử dụng công cụ này trong điều hành bằng Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 1/3/2011 về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho năm 2011 không được tăng quá 20% dư nợ so với cuối năm 2010 và phải được NHNN phê duyệt.

Song song với đó, NHNN quy định hạn mức tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, như bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng khác... đến ngày 31/12/2011 còn tối đa 16%. Không phải ngẫu nhiên NHNN “thẳng tay” nếu nhìn vào số liệu thời điểm đầu năm 2011, có 18 NHTM cổ phần có tỷ trọng cho vay phi sản xuất dưới 25% và 24 NHTM cổ phần có tỷ trọng trên 26% (trong đó NHTM có tỷ trọng cho vay phi sản xuất thấp nhất là 8,5%/tổng dư nợ, cao nhất là 59%).

Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng cả nền kinh tế năm 2011 chỉ đạt 12%, thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra, nhưng hạn mức tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất được đảm bảo thực hiện nghiêm túc. Từ đó đến nay, NHNN tiếp tục duy trì việc cấp hạn mức, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.

Khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, nền kinh tế sẽ trở nên mất an toàn
Khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, nền kinh tế sẽ trở nên mất an toàn

Và các khuyến nghị bỏ trần tăng trưởng tín dụng… nhưng bất thành

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Trước đây, vấn đề tăng trưởng tín dụng cao từng mang lại một số hệ lụy cho nền kinh tế. Do đó, nên cân nhắc việc tiếp tục bình ổn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề cung - cầu nên để thị trường quyết định và NHNN giám sát để làm sao đảm bảo thanh khoản, lãi suất phù hợp với các hoạt động trong nền kinh tế”.

Đồng quan điểm không nên giữ trần tăng trưởng tín dụng trong năm 2019, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, NHNN nên để mỗi ngân hàng tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. Các ngân hàng tự bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, những chỉ số như dư nợ trên huy động, tỷ lệ nợ xấu không quá 3%..., còn lại tăng trưởng, kinh doanh như thế nào là tùy vào điều kiện, năng lực của mỗi ngân hàng.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp Trường Harvard Kennedy, đồng thời là giảng viên chính sách công Trường đại học Fulbright Việt Nam nêu rõ: “Tăng trưởng kinh tế vĩ mô có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng tín dụng. Thông thường, khi đề cập tăng trưởng kinh tế, người ta thường nghĩ đến sự tăng trưởng tín dụng tương ứng để hỗ trợ sản xuất. Song thực tế những năm 2015 - 2017, tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ 14 - 16%, gây lo ngại cho các tổ chức quốc tế. Sau đó, chúng ta đã giảm tốc tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn cao. Điều này có nghĩa, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đi kèm với tăng trưởng tín dụng”.

Thông tin từ NHNN với người đại diện là ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhưng vẫn dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4%. Theo đó, NHNN đã có chỉ đạo định hướng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD. Định hướng là ưu tiên chỉ tiêu tín dụng cao đối với các ngân hàng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về CAR tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Bình luận về định hướng này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng: “Những người làm chính sách vĩ mô có cái lý riêng và trong trường hợp này là chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng (trần tín dụng) vì mục tiêu chung. Các NHTM có những cách xoay xở trong chiến lược kinh doanh riêng”.

Lý do nào NHNN vẫn giữ trần tăng trưởng tín dụng?

Số liệu của NHNN cho biết, cuối năm 2016, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 122%, sau đó tăng lên 130% vào cuối năm 2017. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân năm 2017 tại Việt Nam đạt 130% GDP. Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, nếu như trong những năm tới tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đạt tốc độ khoảng 15,6%/năm, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 10,2%/năm như giai đoạn 2012 - 2016, thì sau khoảng 10 năm nữa tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ đạt mức 200% - thuộc hàng cao nhất thế giới.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam năm 2018 là 135%. “Tăng trưởng tín dụng là vấn đề lâu dài ở Việt Nam. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện có quy mô tương đối lớn với mức tăng trưởng cao ngoài phần dư nợ tín dụng đã lớn như hiện nay”, ông Sebastian Eckardt nói.

Điều này, theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ làm tăng tỷ lệ dùng đòn bẩy vốn. Việc chấp nhận rủi ro quá mức có khả năng dẫn đến chất lượng tín dụng hay các tài sản đảm bảo có thể xấu đi.

Thực tế, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã tăng lên hơn 130% - mức mà nhiều tổ chức quốc tế đã khuyến cáo khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những biến động về lãi suất. Một sự gia tăng nhỏ của lãi suất có thể khiến nghĩa vụ trả lãi gia tăng đáng kể và khiến tính bền vững của nền kinh tế bị suy giảm.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ tín dụng 130%, nền kinh tế Việt Nam đang vay nợ một khoản lớn hơn gấp 1,3 lần thu nhập tạo ra hàng năm. Nếu tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao hơn nữa, áp lực trả nợ của doanh nghiệp có thể gia tăng theo và rủi ro vỡ nợ sẽ lớn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu.

Thêm vào đó, tỷ lệ tín dụng/GDP cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc khu vực sản xuất được cung cấp nhiều vốn hơn, khi nhu cầu vốn của khu vực sản xuất là có hạn vì còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng. Tín dụng/GDP cao có thể là biểu hiện của việc tiền chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản. Do đó, tỷ lệ tín dụng/GDP quá cao có thể dẫn tới bong bóng giá tài sản...

Với những lý do đó, có lẽ không quá khó hiểu khi cơ quan quản lý vẫn giữ quan điểm chưa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Dư nợ tín dụng mới chỉ tăng 5,75%
Tính đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư