Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Cần cách tiếp cận mới trong phát triển ngành Y dược
D.Ngân - 20/07/2023 09:18
 
Ngành Y dược của Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá. Giới chuyên gia kỳ vọng việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương sẽ giúp ngành công nghiệp tỷ đô này cất cánh.

Ngành Y dược Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Ngành Y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới.

Trong hành trình phát triển ấy, sự đồng hành cộng đồng doanh nghiệp y dược trong và ngoài nước thông qua các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ đã góp phần vào sự phát triển của ngành. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, như sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lấy nhiễm, quá tải bệnh viện, già hóa dân số, chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế…. 

Điều này đòi hỏi sự đổi mới, cũng như tăng cường hợp tác từ các bên liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu & phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ...

Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế.

Việc ban hành chương trình hành động với những nội dung được cụ thể hóa sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và dược phẩm.

Theo các chuyên gia, để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn. 

Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành Y dược” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, từ cách tiếp cận của Nghị quyết 29 và với những xu hướng đầu tư, công nghệ trên toàn cầu hiện nay, ngành Y tế nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng đang được đặt trước những cơ hội mới.

Nghị quyết 29 cũng là bệ đỡ để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước để kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, chuyển dịch nhanh sang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, hiện đại hóa và phát triển bền vững, hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của ngành Y là chăm lo cho sức khỏe của nhân dân. 

Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, thu hút đầu tư vào ngành y dược không chỉ mang ý nghĩa về nguồn vốn để nâng cao năng lực, phát triển ngành Y mà còn có tác dụng tăng cường sự liên kết, lan tỏa như tinh thần Nghị quyết 29 mà các chuyên gia tại hội thảo này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. 

Song thu hút đầu tư vào ngành này đang trở thành một cuộc đua nước rút trên cả quy mô khu vực và toàn cầu mà quốc gia nào cũng muốn giành được phần hơn. 

Chỉ nhìn vào con số hàng ngàn tỷ đô la Mỹ mà các công ty dược phẩm sinh học sẽ đầu tư cho riêng lĩnh vực nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2020-2030 cũng có thể lý giải phần nào về cuộc đua này. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. 

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 10% trong thời gian tới. 

Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.

Nghị quyết 29 đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể là đẩy nhanh thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP  cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước OECD. 

Về nguồn lực bên ngoài, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút đầu tư trực tiếp từ các đối tác thuộc các nước phát triển.

Tiếp theo Hội thảo về tăng cường hợp tác công tư - thúc đẩy phát triển bền vững ngành Y tế cũng do Báo Đầu tư tổ chức năm 2022, tại hội thảo hôm nay, theo ông Lê Trọng Minh, chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, ý kiến chuyên môn của mình.

Các ý kiến này để làm rõ hơn những xu hướng lớn trên thế giới, những tiềm năng, lợi thế cũng như những ưu tiên mà Việt Nam nên đặt ra nhằm gia tăng cơ hội vượt lên trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực đang rất được quan tâm này; những vấn đề đặt ra trong việc bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách để theo kịp các xu hướng đầu tư lớn trên toàn cầu trong ngành Y dược… 

"Những ý kiến trao đổi, phân tích tại hội thảo hôm nay hy vọng sẽ mang đến giá trị tham khảo trong quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, định hướng từ Nghị quyết 29 trong ngành y dược, mang đến cơ hội tiếp cận tốt hơn cho người dân tới những loại thuốc tiên tiến, chất lượng cao với chi phí, giá thành thấp hơn, phù hợp khả năng chi trả của đông đảo mọi người", Tổng biên tập Báo Đầu tư nêu.

Đóng góp ý kiến để phát triển ngành Y dược Việt Nam, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, EuroCham, ngành Y tế là một trong những ngành xương sống cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia.

Một quốc gia khỏe mạnh là một quốc gia vững mạnh. Chính vì vậy, trách nhiệm phát triển ngành y tế, y dược không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế mà cần sự chung tay từ tất cả các bên. 

Theo kinh nghiệm thế giới, việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, kế hoạch hành động và các chính sách ưu đãi cũng như triển khai thực hiện luôn có sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ ban ngành liên quan và hợp tác công-tư với chính phủ nắm giữ vai trò điều phối để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Trong những năm qua, Pharma Group vinh dự là một đối tác tin cậy đồng hành cùng quá trình tham mưu, xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển ngành.  

 Ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, EuroCham, phát biểu tại Hội thảo.

Ngành dược phẩm phát minh rất phấn khởi và ủng hộ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành mũi nhọn trong Nghị quyết 29/NQ-TW, và kỳ vọng Chương trình hành động của Chính phủ sẽ thúc đẩy các giải pháp tạo đột phá.

Các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam có rất nhiều lợi thế từ việc rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, cùng với sự tiến triển vượt bậc của khoa học - công nghệ hiện nay, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế và ngành y dược bền vững. 

Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn. 

Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm của ngành dược phẩm phát minh, chúng tôi đề xuất chương trình thực hiện Nghị quyết cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. 

Đồng thời, việc phát triển ngành phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Còn theo bà Eunice Cho, Giám đốc Quốc gia Viatris Việt Nam thì tại Việt Nam, Viatris hiện đang sở hữu danh mục thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đa dạng, phong phú trải rộng trên nhiều lĩnh vực điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân gồm tim mạch, giảm đau, tâm thần kinh, sức khỏe nam giới, ung thư, da liễu, sức khỏe nữ giới và Covid-19. 

Giám đốc Quốc gia Viatris Việt Nam cũng cho hay, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực để mở rộng danh mục sản phẩm của mình thông qua chuyển giao công nghệ thuốc gốc Off-Patent Originator (“OPO”).

"Chúng tôi vừa kỷ niệm 2 năm thành lập Viatris Việt Nam với hai văn phòng đặt tại TP.HCM và Hà Nội và một nhà kho tại tỉnh Long An", bà Eunice Cho nói.

Điều này cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Viatris và củng cố cam kết của doanh nghiệp với mong muốn trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng chăm sóc sức khỏe Việt Nam. 

Mô hình hoạt động và kinh doanh của chúng tôi được thiết lập và triển khai chuyên biệt nhằm thực hiện chiến lược xây dựng và duy trì khả năng tiếp cận thuốc trên quy mô lớn. Tiếp cận thuốc bắt đầu 

Bằng việc cung cấp các loại thuốc tốt và giải pháp sức khỏe chất lượng cao một cách bền vững cho tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu hay trong hoàn cảnh nào.

Viatris Việt Nam cũng hợp tác với các hiệp hội y tế, bệnh viện và một số chuỗi nhà thuốc lớn để giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị, hỗ trợ các chuyên gia y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe về lựa chọn phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các loại thuốc kê đơn chất lượng cao điều trị cả bệnh không lây nhiễm và các bệnh truyền nhiễm.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, mục tiêu của Viatris Việt Nam là giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững tại Việt Nam.

Điều này thể hiện rõ qua cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo nguồn cung thuốc chất lượng cao dựa trên sự cân bằng giữa sản xuất toàn cầu, trong khu vực và tại địa phương, cũng như những dự án khác của chúng tôi góp phần vào việc tăng cường chuyên môn và năng lực y tế trong nước.

"Chúng tôi hy vọng rằng, dự án Lotus của chúng tôi, một trong những dự án chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc đầu tiên tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2017, sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ và các bộ ngành liên quan", Giám đốc Viatris Việt Nam nêu.

Eunice Cho cũng tin rằng, chiến lược này phù hợp với Quyết định 376 của chính phủ; cụ thể là thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, để góp phần tăng cường khả năng sản xuất thuốc trong nước, nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực y tế và hy vọng qua đó thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

Phát triển ngành Dược: Cần cơ chế đi tắt, đón đầu
Ngành Dược Việt nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá. Vì sao như vậy? "Đi tắt, đón đầu" trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư