Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thương mại hóa 5G
Bích Thủy - 02/04/2023 09:30
 
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thương mại hóa 5G trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Thưa ông, quá trình thí điểm 5G trong thời gian qua đã đạt được kết quả như thế nào?

Đến thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone), với những thử nghiệm ở các góc độ khác nhau trên 40 tỉnh, thành phố.

Quá trình thử nghiệm 2 năm qua cho thấy, Việt Nam đã tiếp cận 5G sớm, thận trọng, xét cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.

Người sử dụng đã có được trải nghiệm 5G về tốc độ, hiểu biết về những ứng dụng mang lại trong các ngành kinh tế; các doanh nghiệp công nghệ, các start-up đã bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu để phát triển kinh doanh dựa trên những khả năng mà 5G mang lại.

Khả năng cung cấp dịch vụ đa dạng, cá thể hóa theo nhu cầu người dùng, những tính năng vượt trội của 5G đã được phổ biến, lan rộng tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong mọi lĩnh vực. 

Mặc dù đối với người sử dụng, những trải nghiệm đầu tiên về tốc độ băng rộng di động, theo tôi, là không quá ấn tượng, vì tốc độ 4G hiện nay đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của người sử dụng, song đối với doanh nghiệp, thử nghiệm 5G thực sự có giá trị, vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G.

Ông có thể cho biết, việc thử nghiệm 5G có gì đặc biệt với các nhà mạng?

Trước đây, triển khai các mạng di động là nói đến vùng phủ, tốc độ down load, up load... Nhìn lại, Việt Nam hầu như không thử nghiệm 2G, không thử nghiệm 3G. Với 4G, có thử nghiệm trên các băng tần đang triển khai 3G, 2G để đảm bảo phân bổ tài nguyên phù hợp với thực tế thuê bao và khả năng cung cấp dịch vụ của mạng lưới, thời gian thử nghiệm không quá dài trước khi triển khai chính thức. 

Nhưng thử nghiệm 5G của các nhà mạng lần này không đơn giản như vậy. Các nhà mạng phải thử nghiệm về tổ chức mạng lưới, đi theo mô hình NSA - tức là dựa trên mạng 4G hiện hữu,  hay SA - triển khai mạng 5G hoàn toàn độc lập. Việc lựa chọn này sẽ quyết định hoạt động đầu tư của nhà mạng, đó là triển khai ngay một mạng rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố, hay triển khai tại các khu vực có nhu cầu.

Đặc biệt, các thiết bị 5G được Viettel, VNPT sản xuất cũng như các dịch vụ ứng dụng trên mạng 5G đã có cơ hội để thử nghiệm trên mạng. Những thử nghiệm quan trọng và ý nghĩa đó sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái, tổ chức mạng lưới và kinh doanh khi triển khai chính thức.

Với cơ quan quản lý nhà nước, kinh nghiệm quốc tế, kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp, trải nghiệm của người dùng, dự báo nhu cầu thị trường… là cơ sở để hoàn thiện chính sách phát triển 5G, tạo dựng một môi trường kinh doanh phù hợp với 5G…

Kinh nghiệm quốc tế để triển khai thương mại 5G thành công là gì, thưa ông?

Công nghệ 5G và hệ sinh thái 5G dù được nhắc tới nhiều, nhưng ngay cả những nước phát triển nhất về viễn thông trên thế giới cũng vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G.

Các nước có tốc độ phát triển 5G nhanh nhất trong năm 2022 đều bỏ ra nguồn kinh phí lớn nhằm mở rộng vùng phủ sóng, nhưng chưa nước nào đạt được vùng phủ sóng 5G tuyệt đối cho toàn bộ dân số. Theo báo cáo của Ericsson, năm 2022, 30% dân số thế giới đã được phủ sóng 5G, dự kiến đến năm 2028, con số này là 85%.

Sự phát triển thuê bao 4G đã đạt ngưỡng cao nhất vào cuối năm 2022 và bắt đầu giảm. Số lượng thuê bao 2G/3G tiếp tục suy giảm. Điều này cho thấy, năm 2023 là thời điểm để chuyển sang mạng 5G.

Đa số các nước sẽ lựa chọn áp dụng công nghệ Mạng truy nhập vô tuyến mở (Open Ran). Công nghệ này giúp giảm 30% chi phí đầu tư, nên nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kinh nghiệm cho thấy, để sớm phổ biến 5G, cần phải xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng 5G trưởng thành sử dụng tần số thấp đến tần số cao.

Theo ông, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thương mại hóa 5G trong thời gian tới, cần chính sách hỗ trợ như thế nào?

Để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thương mại hóa 5G, thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, chú trọng những nội dung sau:

Trước tiên, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số cần ưu tiên sử dụng hạ tầng băng rộng cố định, di động kết hợp công nghệ mới (Cloud, IoT, AI…), lấy sức kéo của thị trường (đầu tư công) để thúc đẩy doanh nghiệp thương mại 5G.

Tiếp đó, ban hành hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng 5G, an toàn thông tin cho dịch vụ ứng dụng 5G; đảm bảo tài nguyên tần số cho 5G để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ với mọi yêu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng cơ sở đào tạo, thực hành nhằm phát triển các hệ sinh thái sử dụng công nghệ 5G cũng như đào tạo nguồn nhân lực để vận hành, khai thác và triển khai công nghệ 5G, làm nền tảng để phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo.

Ngoài ra, nên phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn 5G và mạng thế hệ sau của các Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Khuyến nghị thương mại hóa 5G tại Việt Nam
Tại Diễn đàn Chuyển đổi số “Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông có khuyến nghị cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư