Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần có nghị định quản lý hoạt động M&A
Hữu Tuấn - 07/09/2014 20:18
 
TS. Phan Hữu Thắng, Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, với những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam hiện nay, cần phải có một nghị định của Chính phủ để quản lý thống nhất hoạt động này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Được áp dụng hai cách áp thuế chuyển nhượng BĐS
Kết nối đầu tư từ Indonesia theo hình thức M&A
Ông chủ thâu tóm dự án B6 Giảng Võ là ai?
"Võ" nào để đón làn sóng M&A thứ hai?
METRO nhượng 19 trung tâm cho BJC với giá 655 triệu Euro
Khẩu vị nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ trong thương vụ M&A
Sóng M&A chờ gió cổ phần hóa

Ông nhận xét thế nào về các quy định chuyển nhượng, mua bán dự án bất động sản trong hệ thống pháp luật hiện nay?

  Cần có nghị định quản lý hoạt động M&A  
  TS. Phan Hữu Thắng, Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)  

Trước hết, cần xác định rằng, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể về chuyển nhượng, mua bán dự án bất động sản, nhưng thực tế cho thấy, nhiều vấn đề trong quy định của pháp luật liên quan đến chuyển nhượng, mua bán bất động sản cần được điều chỉnh sửa đổi.

Bên cạnh đó, vấn đề bức thiết cần được tháo gỡ sớm để khơi thông thị trường bất động sản là thủ tục hành chính kéo dài và rắc rối trong quản lý hoạt động chuyển nhượng, mua bán.

Ông có thể nêu ví dụ cụ thể về những vướng mắc này?

Chẳng hạn, pháp luật về kinh doanh bất động sản chỉ quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án, nên việc chuyển nhượng một phần dự án phải xin ý kiến chấp thuận của nhiều cơ quan khác nhau, làm mất thêm nhiều thời gian, từ đó làm mất cơ hội kinh doanh của bên nhận chuyển nhượng. Trên thực tế, nhiều chủ dự án chỉ muốn chuyển nhượng một phần, chứ không phải toàn bộ dự án.

Nhiều ví dụ khác có thể nêu ra, như một số quy định về chuyển đổi hình thức công ty, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, quy định về quyền sở hữu đất đai khi chuyển nhượng... cũng cần có các hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường than phiền rằng, các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A rất khó hiểu và chồng chéo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước than phiền rằng, khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam hiện nay là trở ngại cho hoạt động M&A.

Lý do là, hoạt động M&A đang bị điều chỉnh bởi nhiều bộ luật khác nhau, trước hết là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý cạnh tranh, rồi đến những luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán khi tham gia thị trường chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng khi thực hiện các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản… Ngoài ra, còn có các văn bản pháp lý khác, như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc quy định pháp lý nằm rải rác tại các bộ luật như vậy gây khó cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, khi muốn tiến hành các thương vụ M&A tại Việt Nam. Nhưng điều đáng nói hơn, mỗi luật lại điều chỉnh hoạt động M&A từ một góc độ khác nhau.

Cụ thể, Luật Đầu tư quy định M&A như là hình thức đầu tư trực tiếp; Luật Doanh nghiệp quy định M&A như là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; Luật Cạnh tranh quy định M&A như là một hình thức tập trung kinh tế…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang là đối tác quan trọng trong hoạt động M&A, nhưng dường như những quy định liên quan đến nhóm đối tượng này chưa thống nhất?

Các quy định hiện hành về quyền góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống luật pháp hiện nay của Việt Nam còn thiếu thống nhất. Một trong những nguyên nhân là, trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện hành của Việt Nam, quy định thế nào là nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ, chưa được hướng dẫn cụ thể trong từng bộ luật, nên không rõ ràng trong việc quy định tỷ lệ tham gia góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế đó có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa điều ước quốc tế và luật quốc gia. Ngay cả các nhà quản lý của Việt Nam cũng lúng túng trong xử lý các trường hợp như vậy, nên ảnh hưởng tới việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn, cổ phần, dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, khuôn khổ pháp lý không chỉ là các bộ luật, mà còn bao gồm cả thủ tục hành chính và con người trong bộ máy quản lý và thực hiện thủ tục hành chính, hướng dẫn, giải quyết các thương vụ M&A theo quy định của các bộ luật.

Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A hiện nay, cần có giải pháp gì nhằm tạo thuận lợi cũng như nâng cao khả năng thành công cho các giao dịch này?

Với những bất cập trong hệ thống luật pháp về M&A như đã phân tích và trước quy mô tăng trưởng M&A ngày càng lớn, cùng với tính phức tạp quy mô của các thương vụ lớn ngày càng cao…, tôi cho rằng, cần có một văn bản pháp lý chung thống nhất ở mức một nghị định của Chính phủ để việc quản lý hoạt động M&A được thống nhất và hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư