Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần làm rõ động cơ, mục đích livestream phim "Cô Ba Sài Gòn"
Huệ Linh (ANTĐ) - 21/11/2017 14:54
 
Bộ phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân chỉ sau vài ngày công chiếu đã bị tường thuật trực tiếp trên một fanpage về phim đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Điều đáng nói, người thực hiện hành vi này lại là một thanh niên 19 tuổi.

ảnh 1

Hình ảnh quảng cáo phim "Cô Ba Sài Gòn"

Xác định rõ tư cách pháp lý của Fanpage

Vụ việc livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Duy Khương - Phó Giám đốc Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho rằng, có một số vấn đề cần phải xác định để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Trước hết cần xem xét tư cách pháp lý của Fanpage. Trong vụ việc này, việc livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” đã được thực hiện trên một Fanpage mà không phải là trên một trang cá nhân. Điều này dẫn đến sự khác biệt rất lớn về sự lan tỏa của “bản sao” của phim Cô Ba Sài Gòn trên Facebook, khi chỉ trong hơn 30 phút bộ phim được livestream trộm đã có hàng chục ngàn lượt xem và có thời điểm lên đến 3.000 lượt xem cùng lúc, cao hơn gấp nhiều lần so với việc livestream trên một trang cá nhân.

Việc xác định rõ tư cách pháp lý của Fanpage có thể giải đáp được nhiều nhiều câu hỏi, như việc livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” chỉ là hành động bột phát, đơn thuần của một cá nhân cụ thể hay đây là hành động có tính toán, được lên kế hoạch từ trước và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ bởi một nhóm các thành viên, mục đích livestream đơn thuần là câu view, câu like cho Fanpage hay còn có động cơ nào khác…

Ngoài ra, cũng cần làm rõ người livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” lậu đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Một số ý kiến cho rằng việc livestream đã xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, một số khác cho rằng hành vi này xâm phạm quyền phân phối tác phẩm hoặc xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Ở góc độ của cơ quan thực thi quyền, việc xác định chính xác hành vi vi phạm trong trường hợp này là rất quan trọng.

“Theo tôi, livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng vì hành vi này có đầy đủ các đặc điểm theo của hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng theo quy định của pháp luật hiện hành” - Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.

Bởi, theo quy định tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thì “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. Việc livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” đã cho phép công chúng tiếp cận với bản sao tác phẩm đang được chiếu tại rạp và việc tiếp cận này hoàn toàn do người xem livestream lựa chọn.

Xử lý thế nào?

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, livestream phim “Cô Ba Sài Gòn”  rất khó để có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm do hiện tại các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ không đủ để xác định “bản sao” của tác phẩm - được xem bởi người xem trong quá trình livestream có được coi là một bản sao tác phẩm theo quy định hiện hành hay không. Tương tự, cũng rất khó để kết luận rằng hành vi livestream bị coi là hành vi phân phối tác phẩm đến công chúng.


ảnh 2

Luật sư Phạm Duy Khương

Theo các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt chỉ có thể được tiến hành đối với các hành vi vi phạm đã được chứng minh một cách rõ ràng. Do đó, nếu không đủ bằng chứng hoặc không có quy định cụ thể để xác định có hay không có bản sao tác phẩm đã được tạo ra, hoặc có hay không có việc bán, cho thuê hay các hình thức chuyển nhượng khác đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể xử phạt đối với các hành vi này.

Vấn đề cuối cùng cần phải xác định trong trường hợp này chính là định nghĩa hoặc khái niệm về “stream” hoặc “livestream”. Theo nghĩa thông thường thì “stream” chính là việc truyền dẫn và tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh cùng lúc từ nơi này đến nơi khác và livestream có nghĩa là việc stream được thực hiện một cách trực tiếp và cùng lúc với thời điểm mà thông tin, hình ảnh được stream.

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có một định nghĩa khá tương đồng về “stream”, đó là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Tuy nhiên, định nghĩa này chỉ được đặt ra để phục vụ cho các quy định liên quan đến quyền liên quan tức là quyền của tổ chức phát sóng và do đó, nếu áp dụng định nghĩa về phát sóng để giải thích về stream hay livestream là gượng ép.

Katy Perry vẫn diễn sung dù bị rách đũng quần trong khi livestream với fan
Nữ ca sĩ còn gặp thêm sự cố lộ trọn vòng 3 trước hàng nghìn fan trong lúc cởi đồ nằm massage.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư