Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Cân nhắc kỹ tiến trình đầu tư 3 bến tiếp theo tại cảng Chân Mây
Anh Minh - 21/11/2021 08:18
 
Có thể xuất hiện nguy cơ dư thừa năng lực nếu tiến hành đầu tư ngay các bến cảng số 4, 5, 6 thuộc Khu bến Chân Mây, cảng biển Thừa Thiên Huế.
Tàu hàng đầu tiên cập bến số 3 cảng Chân Mây
Tàu hàng đầu tiên cập bến số 3 cảng Chân Mây.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT liên quan đến chủ trương đầu tư bến cảng số 4, 5, 6 thuộc Khu bến Chân Mây, cảng biển Thừa Thiên Huế theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tại Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến Chân Mây được quy hoạch là khu bến cảng tổng hợp, container, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 đến 50.000 DWT, tàu container có sức chứa đến 4.000 TEU, tàu khách đến 225.000 GT; giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 DWT (tổng chiều dài cầu cảng 910m) năng lực thông qua khoảng 4,6 đến 5,5 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 DWT năng lực thông qua đạt 8 đến 9,2 triệu tấn/năm và bổ sung 1 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT.

Do đó, việc nghiên cứu để triển khai đầu tư xây dựng các bến số 4, 5 với chiều dài cầu cảng mỗi bến là 270 m để tiếp nhận hàng container, tổng hợp cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn là phù hợp với Quyết định số 2369.

Đối với việc đầu tư bến số 6 để tiếp nhận hàng container, tổng hợp như đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá là chưa phù hợp với quy hoạch nêu trên.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Chân Mây được quy hoạch cỡ tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000TEU hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Mặt khác, Bộ GTVT đang chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước cảng biển và Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó, quy mô, tiến trình đầu tư các bến cảng trong giai đoạn 2021-2030 phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với thời kỳ này.

Về thực tế đầu tư khai thác bến cảng, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết hiện tại khu bến Chân Mây, các bến cảng số 1, 2, 3 đã được đầu tư xây dựng để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT với tổng chiều dài cầu cảng là 910m (cầu cảng số 1 chiều dài 360 m, cầu cảng số 2 chiều dài 280 m, cầu cảng số 3 chiều dài 270 m). Sản lượng hàng hóa thông qua Khu bến Chân Mây vào năm 2019 là 2,8 triệu tấn, năm 2020 là 2,5 triệu tấn và 10 tháng đầu năm 2021 là 2,6 triệu tấn.

Theo kết quả dự báo trong quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 3 đã được phê duyệt đến năm 2020 hàng hóa thông qua khu bến Chân Mây khoảng 4,6 đến 5 triệu tấn/năm. Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, trung bình sản lượng hàng hóa thông qua khu bến Chân Mây chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm bằng 50-54% so với dự báo.

“Vì vậy, tiến trình đầu tư các bến cảng xếp dỡ hàng hóa tiếp theo cần được xem xét, cân nhắc kỹ để phù hợp với thực tế tăng trưởng hàng hóa tại khu vực, đặc biệt trong điều kiện các bến số 2, 3 (với tổng chiều dài 2 bến 550 m) mới được đưa vào khai thác từ tháng 7/2021”, Cục Hàng hải Việt Nam nêu quan điểm.

Vào tháng 10/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam cho ý kiến về việc đầu tư Bến cảng số 4, 5, 6 thuộc Khu bến Chân Mây, cảng biển Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, đơn vị này xin đầu tư xây dựng 3 bến cập tàu cho tàu tổnghợp/container trọng tải đến 50.000 DWT, trong đó mỗi bến cảng có 1 cầu cảng với chiều dài mỗi cầu cảng là 270 m (tổng cộng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 810 m); thời gian đầu tư xây dựng là trong giai đoạn năm 2022-2026.

Cho phép Cảng Chân Mây cải tạo cầu cảng để đón tàu trọng tải 70.000 DWT
Cảng Chân Mây được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối miền Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư