Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 26 tháng 08 năm 2024,
Cần phải có luật hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Mạnh Bôn - 26/08/2024 09:06
 
Hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần phải có luật hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo để thúc đẩy cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đổi mới sáng tạo là linh hồn của chuyển đổi số, nhưng khái niệm cụ thể về đổi mới sáng tạo vẫn còn khá mơ hồ, thưa ông?

Theo Luật Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Khái niệm đổi mới sáng tạo không hề trừu tượng, nhưng trên thực tế, rất nhiều lãnh đạo cấp cục, vụ, sở, ngành chưa hiểu hết thế nào là đổi mới sáng tạo.

Hiện tại, trong nhiều công sở, văn phòng, trung tâm hội nghị, doanh nghiệp, thậm chí cả nhà dân, hầu hết đã thay bóng đèn huỳnh quang bằng đèn led, đồng thời ứng dụng công nghệ thông minh AI điều khiển cả hệ thống đèn led tự động sáng ở khu vực có người và tự động tắt khi không có người. Toàn bộ việc tạo ra, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ này chính là đổi mới sáng tạo, không chỉ số hóa, mà đã tiến tới xanh hóa, tiết kiệm điện.

Trước đại dịch Covid-19, không ai hình dung thế nào là học online, họp trực tuyến, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đại dịch xảy ra, toàn bộ trường học cả công lập lẫn dân lập, các trung tâm dạy thêm, học thêm, cũng như các bộ, ngành, địa phương đã chuyển sang học trực tuyến, họp, hội thảo, hội nghị, tọa đàm trực tuyến thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Đây chính là chuyển đổi số, là đổi mới sáng tạo.

Theo ông, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?

Thời kỳ diễn ra Covid-19 và từ hậu đại dịch đến nay, đổi mới sáng tạo của Việt Nam có bước phát triển rất mạnh mẽ. Từ đầu năm 2022 đến nay, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm kết hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Các trung tâm giáo dục, đào tạo học trực tiếp, nhưng bất cứ khi nào mưa xuống, khiến việc đi lại vất vả, thì ngay lập tức chuyển sang học online. Đây chính là đổi mới sáng tạo thông qua việc chuyển đổi số.

Cuối tháng 9/2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII-2023). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Từ năm 2017 đến nay, GII của Việt Nam đã được cải thiện, tăng từ vị trí 59 vào năm 2016 lên 47 (năm 2017) và 46 năm 2023. Trong 13 năm liên tiếp, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội về đổi mới sáng tạo và là một trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, nhìn lên bản đồ về giá trị mà đổi mới sáng tạo mang lại thì rất khó phát hiện Việt Nam nằm ở đâu vì vô cùng nhỏ bé và mờ nhạt. Trong 100 doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới không hề có doanh nghiệp Việt Nam nào góp mặt. 

Đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu như mong đợi, thưa ông, phải chăng là do cơ chế, chính sách?

Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022) xác định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Đổi mới sáng tạo là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu rất rõ ràng, nhưng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đổi mới sáng tạo rất phân tán, được quy định trong nhiều luật khác nhau ở Luật Đầu tư; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ đều có luật hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong khi Việt Nam thì phân tán, dàn trải nên rất khó tập trung phát triển. Vì vậy, trong tương lai gần, Việt Nam phải ban hành luật hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo như nhiều nước khác đã chứng minh được sự thành công.

Đúng là cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi được quy định rải rác, song Quốc hội đã có nhiều nghị quyết về nội dung này, thưa ông?

Các văn bản quy phạm đặc thù cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo của Quốc hội được ban hành dưới dạng nghị quyết thí điểm, đó là nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; TP. Đà Nẵng; TP. Cần Thơ; tỉnh Nghệ An. Trong các nghị quyết này dành rất nhiều quy định về ưu tiên, ưu đãi cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các nghị quyết đều quy định về Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các địa phương. Trong đó, đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch được ưu tiên hàng đầu trong Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Còn các địa phương chưa được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thì trong nghị quyết của đảng bộ, HĐND cấp tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm cũng đều có những quy định ưu tiên, ưu đãi vượt trội cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Ngoài các địa phương được thí điểm cơ chế đặc thù, còn trên bình diện chung cả nước thì sao?

Ngay từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) để hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương.

Đề án 844 ngoài đề cập việc xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức thúc đẩy kinh doanh dựa trên việc lựa chọn, xây dựng năng lực cho một số cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng và đầu tư vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, còn quy định về việc xây dựng mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Quyết định 569/2022/QĐ-TTg nhấn mạnh, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 10 người/vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người/vạn dân. Việt Nam đang gấp rút đào tạo, đào tạo lại để có ít nhất 50.000 - 100.000 kỹ sư công nghệ, khoa học máy tính vào năm 2030, đặc biệt là kỹ sư làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, chính là thực hiện mục tiêu đặt ra trong Quyết định 569/QĐ-TTg.

Đổi mới sáng tạo không có điểm dừng, không có giới hạn, vì thế, cơ chế, chính sách cần phải đồng bộ, thống nhất và có độ mở, nên rất cần có luật hỗ trợ đổi mới sáng tạo với hàng loạt cơ chế đặc thù, thay vì các ưu đãi được ban hành rải rác tại các luật và văn bản dưới luật theo kiểu khó ở đâu gỡ ở đó, vướng ở đâu tháo ở đó, rất vụn vặt, không phù hợp với hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hà Nội sắp tổ chức sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày 30/9 và 1/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư