Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Cần tách bạch sai phạm của chủ doanh nghiệp với doanh nghiệp
Nhung Bùi - 12/10/2022 09:36
 
Theo các chuyên gia, tình trạng gộp chung sai phạm của doanh nhân với doanh nghiệp sẽ triệt tiêu động lực phát triển, thậm chí là cách “hủy diệt” một doanh nghiệp nhanh nhất.

Hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, khối doanh nghiệp tư nhân đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số vấn đề khiến những người trong cuộc và các chuyên gia trăn trở, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nhiều phía để hướng tới một nền kinh tế tư nhân lớn mạnh hơn, bền vững hơn.

Doanh nghiệp “không muốn” lớn

Việt Nam hiện có gần 900.000 doanh nghiệp, trong đó 96% là doanh nhiệp vừa và nhỏ. Dù số lượng doanh nghiệp tăng gấp 3 lần trong số 10 năm qua, nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với quốc tế.

“Trong 30 năm qua, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm công ty đa quốc gia, còn chúng ta chỉ xuất hiện tỷ phú chứ chưa có công ty đa quốc gia với công nghệ lõi nào cả”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung (CIEM) thẳng thắn chia sẻ tại talkshow do Báo Đầu tư tổ chức nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Các diễn giả tại talkshow "Doanh nhân Việt: Những trái tim dũng cảm".

Theo vị chuyên gia, một phần của tình trạng này là do doanh nghiệp “không muốn lớn”. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế “chọn - cho” trong Luật Doanh nghiệp, tức doanh nghiệp chỉ được làm những thứ pháp luật cho phép.

Như vậy, khi doanh nghiệp càng lớn lên, nguy cơ vị phạm càng nhiều. Đó là tình trạng, như ông Cung miêu tả, không vi phạm luật thì nghị định, không nghị định thì thông tư, không vi phạm thông tư này thì vi phạm thông tư khác, không thông tư của năm nay thì là thông tư của năm khác,

“Nghĩa là thế nào họ cũng vi phạm”, ông Cung khẳng định chắc nịch.

Chưa kể càng lớn, doanh nghiệp càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn. Một số vi phạm không nghiêm trọng vẫn bị đưa lên truyền thông, khiến họ mất nhiều thời gian để vượt qua. Kể cả khi doanh nghiệp vượt qua rồi thì “án truyền thông” này cũng phải rất lâu mới xóa bỏ được.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm đến sự phát triển của khối doanh nghiệp lớn, chứ không chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Đoàn chia sẻ có 3 vấn đề mà các doanh nghiệp lớn đang lo ngại. Một là, cơ chế để có được sự hẫu thuẫn công bằng, minh bạch, hợp lý và hiệu quả từ phía nhà nước. Hai là, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cung không đủ cầu. Ba là, các doanh nghiệp e ngại vấn đề quản trị rủi ro, đôi khi có hàng chục nghìn nhân viên phía dưới nên khó kiểm soát chi tiết.

“Tôi nghĩ, nhà nước cần sự quan tâm đặc biệt tới doanh nghiệp tư nhân lớn, nôm na là tạo cao tốc, xa lộ để họ bứt phá trong khuôn khổ pháp luật; cần lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn nữa để họ chớp thời cơ, không bỏ lỡ cơ hội phía trước”.

Rủi ro “con voi đứng trên cái tăm”

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung, theo ông Đoàn, khi doanh nghiệp lớn lên, rất khó để tránh khỏi sai phạm. Trường hợp sai phạm lớn, đương nhiên phải xử lý theo quy định pháp luật, nhưng với những sai phạm vừa và nhỏ, doanh nghiệp cần được cho cơ hội để khắc phục.

Ở Việt Nam hiện nay, đa phần các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn đang dựa vào một vài cá nhân, theo kiểu “con voi đứng trên cái tăm”. Khi một cá nhân gặp vấn đề, cả doanh nghiệp lao đao theo dù đó là doanh nghiệp đã có thương hiệu và tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động. 

Ông Đoàn lấy ví dụ về Samsung, dù Phó chủ tịch thường trực tập đoàn bị bắt thì cả cỗ máy vẫn hoạt động bình thường. Đó cũng là điều Việt Nam chưa làm được.

“Chúng ta cần có sự tách bạch giữa sai phạm của chủ doanh nghiệp với doanh nghiệp, tạo động lực để các doanh nhân đột phá. Người ta làm 10 sai 2 thì vẫn còn 8, chứ người ta không làm gì cả, mọi chuyện sẽ vẫn giữ nguyên”.

Bổ sung thêm, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh ông cũng đã nhiều lần đề cập đến câu chuyện cần tách bạch giữa chủ sở hữu doanh nghiệp với doanh nghiệp, bởi đó là hai thực thể hoàn toàn khác nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ.

Ông Cung cho rằng, khi người chủ sở hữu gặp sai phạm, không gì phá hủy doanh nghiệp nhanh hơn việc niêm phong, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đó. Và hiện tại, đây là hình thức tiếp cận khá phổ biến trong xã hội.

“Chấm dứt hoạt động của doanh nghiêp thì cả xã hội đều thiệt hại, từ các nhà đầu tư đến các đối tượng cho vay vốn như ngân hàng. Việc đó cũng không góp phần gì trong việc xử lý sai phạm của doanh nhân”.

Vị chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt với đối tượng doanh nghiệp lớn. Theo đó, nhà nước nên tìm cách đi cùng hoặc hỗ trợ họ phát triển, hơn là tìm cách giám sát. Vì tư duy giám sát sẽ tạo ra rào cản ngay lập tức.

“Đối với doanh nghiệp, chúng ta phải tư duy theo lối hỗ trợ, cùng nhau đồng hành giải quyết vấn đề khi có rủi ro, chứ không phải đứng ở vị trí giám sát, quản lý. Ở Việt Nam, tư duy quản lý còn rất nặng nề, nếu mình tiếp cận theo lối đó nhiều khi lại tạo ra rào cản lớn hơn cho sự phát triển”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư