Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Cần thiết tiêm chủng vắc-xin cho trẻ, tránh biến chứng nặng
D.Ngân - 10/05/2023 16:36
 
Thời gian qua, rất nhiều trẻ em Việt Nam không được tiêm vắc-xin đầy đủ. Điều này lâu dài sẽ có hệ lụy lớn.

Nhiều dịch bệnh gia tăng

Thủy đậu là dịch truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh, nhưng hiện nay, nhiều ca nhập viện biến chứng nặng do thủy đậu vẫn xảy ra. Theo các bác sĩ, đa phần các ca biến chứng nặng là do cha mẹ quên hoặc cố tình không cho trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu theo lịch.

Trong 3 năm đại dịch Covid-19, nhiều trẻ đã không tiêm chủng đầy đủ, bỏ mũi, không tiêm hoặc hoãn tiêm, đặc biệt, trẻ ở vùng sâu, vùng xa. 

Chuyên gia cho rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn rất nhiều so với chi phí tiêm chủng.

Mới đây nhất, ngày 6/5, CDC Điện Biên thông tin về bé gái 10 tuổi (ở huyện Điện Biên Đông) tử vong sau 1 giờ nhập viện do nhiễm vi khuẩn bạch hầu. 

Bé gái nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốt cao 39 độ C, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi viêm cơ tim, tiên lượng nặng. Sau 1 tiếng, trẻ ngừng tim, phù phổi và tử vong. 

Sở Y tế Điện Biên phải lấy thêm 61 mẫu liên quan đến bé gái (người tiếp xúc gần) và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra. 

Vào tháng 7/2020, tại 4 tỉnh Tây Nguyên bùng phát 53 ca bệnh bạch hầu, theo Bộ Y tế, đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm phòng vắc-xin bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%) là tiêm chủng đầy đủ.

Covid-19 tăng nhanh trở lại khiến người dân lo ngại. Bên cạnh đó, thời điểm này các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, ho gà... cũng có diễn biến phức tạp, đặc biệt nguy hiểm khi đồng nhiễm cùng Covid-19. 

Tại nhiều cơ sở y tế số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan tới các bệnh hô hấp gia tăng. Các chuyên gia tiêm chủng cảnh báo, phế cầu tàn phá phổi không kém Covid-19.

Theo đó, bệnh có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên thường bị xem nhẹ, hoặc dễ nhầm lẫn với Covid-19 khiến bỏ sót điều trị. Từ đó, người bệnh dễ gặp diễn tiến nặng, phổi bị tàn phá nặng nề dẫn đến tử vong.

Tương tự, cúm mùa cũng tàn phá phổi và gây nguy hiểm tính mạng không kém Covid-19. Virus cúm gây gia tăng từ 6-10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng 100 lần nguy cơ viêm phổi, thúc đẩy những cơn kịch phát ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn.

Theo báo cáo mới nhất về tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam không được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Cũng theo UNICEF, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc-xin” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc-xin nào trong năm 2021. 

Hơn 20 loại vắc-xin được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... 

Đặc biệt, tỷ lệ uống vắc-xin bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.

Chi phí nhỏ, hiệu quả lớn

Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại tình trạng trẻ “nợ” vắc-xin hiện nay, đây sẽ là khoảng trống miễn dịch, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh. 

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, việc chậm trễ hay bỏ lỡ tiêm chủng vắc-xin chắc chắn sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ cao tạo nên các đợt dịch bệnh. 

Đặc biệt, là dịch sởi, bởi sởi thường lây lan rất mạnh, bùng phát nhanh, dễ trở nặng nếu không phát hiện kịp thời, dẫn đến quá tải hệ thống y tế. 

Việt Nam đã từng chịu đợt dịch sởi vào đầu năm 2014 khiến hơn 7.000 trẻ mắc, 111 ca tử vong chỉ trong vòng 3 tháng. Một trong 3 nguyên nhân gây bùng phát dịch sởi vào năm này là nhiều gia đình chưa đưa con em đi tiêm phòng sởi do lo sợ biến chứng.

Để lấp khoảng trống miễn dịch, theo chuyên gia tiêm chủng Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cần khẩn trương khôi phục lại lệ tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao. 

Bên cạnh đó, đứng trước nguy cơ mắc bệnh, mọi người đều cần có ý thức phòng bệnh như hiểu biết về bệnh truyền nhiễm để tự phòng bệnh, đặc biệt khi đi vào vùng có dịch bệnh lưu hành. 

Ngoài ra, ngành Y tế cần tuyên truyền, cảnh báo người dân để nâng cao cảnh giác, tăng cường nhận thức và ý thức phòng bệnh.

Chuyên gia cũng cho rằng với hai hệ thống tiêm chủng song song như hiện nay là tiêm chủng mở rộng thuộc Nhà nước và tiêm chủng dịch vụ của tư nhân, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vắc-xin cho nhân dân. 

Người dân đến các cơ sở tiêm chủng, dù là công lập hay tư lập, đều mong muốn được sử dụng vắc-xin phòng bệnh an toàn, công hiệu. Vì vậy, việc đầu tiên là đội ngũ chuyên môn cần tư vấn chuẩn xác dựa trên nhu cầu của người dân, khám sàng lọc kỹ càng và cơ sở tiêm chủng cần có đủ chủng loại vắc-xin để có thể phục vụ các nhu cầu khác nhau (theo lứa tuổi, giới tính) của người dân.

Bên cạnh đó, trong việc thực hiện mũi tiêm cho đối tượng tiêm chủng, cần thực hiện đúng kỹ thuật đã được khuyến cáo với từng loại vắc-xin và hướng dẫn góp phần giảm đau khi tiêm. 

Việc theo dõi và/hoặc hướng dẫn để người dân tự theo dõi để sớm phát hiện các biến cố sau tiêm chủng cũng hết sức cần thiết để đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Tất cả các yếu tố trên nếu được đảm bảo tối đa, tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định thì sẽ đem lại trải nghiệm nhẹ nhàng khi tiêm chủng.

Ngoài ra, nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vắc-xin có thể đến tiêm các mũi bổ sung.

Các chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, mùa nắng nóng là cơ hội cho virus, vi khuẩn phát triển. Việc trẻ khó ăn, khó ngủ do thời tiết khiến hệ miễn dịch kém hơn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, cha mẹ phải cho con tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ trước các bệnh dịch nguy hiểm.

"Một đồng bỏ ra cho tiêm chủng sẽ tiết kiệm 100 đồng chi phí khám chữa bệnh nếu không may mắc bệnh, do vậy các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế", bác sĩ Tuấn Hải nêu.

Tiêm chủng mở rộng là chương trình miễn phí dành cho trẻ em gồm: vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh; vắc-xin BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vắc-xin bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; vắc-xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1-5 tuổi; vắc-xin sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ từ 18-24 tháng.

Vừa qua, Bộ Y tế đã bổ sung thêm lịch tiêm chủng các vắc-xin khác đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trong thời gian tới gồm: vắc-xin IPV mũi 2 tiêm cho trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi; vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; vắc-xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi.

Cảnh giác biến chứng của bệnh thủy đậu
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ bị biến chứng do mắc thủy đậu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư