Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 01 năm 2025,
Cần tư duy và hành động mới về FDI (phần 2)
GS-TSKH Nguyễn Mại - 15/09/2013 08:14
 
Tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần được đánh giá đúng, để từ đó đổi mới đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với FDI, thống nhất hành động theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, góp phần xây dựng kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Để định hướng FDI mới trở thành hiện thực

1. Cuộc cạnh tranh thu hút FDI trở nên gay gắt khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, nhiều nước trong khu vực tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư lớn, trong khi nạn thất nghiệp cao là vấn đề thời sự đối với các nước công nghiệp phát triển - nơi cung cấp 70% vốn FDI toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng trở lại làm cho nguồn cung FDI toàn cầu chưa thể tăng nhiều.

Dự án FDI không chỉ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế,
mà còn tạo nhiều việc làm. (Ảnh: Đ.T)

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh để xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Quan tâm đến đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ý kiến của các hiệp hội ngành nghề nước ngoài và trong nước tại các cuộc đối thoại là cần thiết. Tuy nhiên, chừng nào lãnh đạo bộ và UBND tỉnh, thành phố còn chưa coi trọng việc tự đánh giá năng lực của bộ máy và công chức, thì việc này cũng chỉ bị động đối phó với dư luận, chứ không thể đề ra được giải pháp cơ bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

2. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số hơn 500 doanh nghiệp FDI ngừng hoạt động, với số vốn gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước. Đành rằng, trong kinh tế thị trường khó đạt được kết quả 100% dự án FDI thành công, tức là vẫn có một tỷ lệ thất bại, nhưng sự chậm trễ trong việc xử lý tình trạng đó là khiếm khuyết trong quản lý nhà nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta bắt đầu từ cuộc gặp lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để trình bày ý tưởng dự án, sau đó gặp các sở, ngành; cũng có trường hợp tiếp cận từ cơ quan đầu tư rồi mới đến lãnh đạo tỉnh, thành phố. Trong nhiều trường hợp, việc chấp nhận ý tưởng dự án khá nhanh và dễ dàng, tùy thuộc vào sự thuyết phục của nhà đầu tư, đôi khi người đối thoại phía Việt Nam không quan tâm đến quy hoạch phát triển ngành, địa phương, vùng lãnh thổ; cũng chưa biết năng lực của nhà đầu tư có đáp ứng được quy mô của dự án không (!).

Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng, lựa chọn đúng nhà đầu tư và dự án là nhân tố quyết định thành công, do vậy, cần thận trọng hơn trong các buổi tiếp xúc và không nên đưa ra cam kết khi chưa biết rõ ý đồ và tiềm lực của nhà đầu tư. UBND tỉnh, thành phố cần giao cho tổ chức xúc tiến đầu tư của tỉnh trách nhiệm thu thập thông tin về năng lực của nhà đầu tư, nhất là về vốn, doanh số, thực lãi.

3. Đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, sẽ liên quan đến một số quy định tại các luật khác, do đó, cần có nhận thức và quan điểm thống nhất giữa các bộ, ngành trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài: “Chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp”.

Đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư, quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, thông qua mạng Internet cung cấp thông tin mà nhà đầu tư cần để lựa chọn dự án, quyết định địa điểm đầu tư.

Tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, chỉ giữ lại nội dung cần thiết để tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của quốc gia, của từng địa phương, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.

Để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, cần cam kết rõ ràng về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Coi trọng hơn việc hỗ trợ nhà đầu tư, phân loại các dự án FDI để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án và trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đổi mới công tác thông tin hoạt động FDI để đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, dễ tổng hợp, phân tích và được cập nhật. Coi trọng việc đúc rút kinh nghiệm, áp dụng rộng rãi mô hình và phương thức quản lý nhà nước có hiệu năng đã được thực tiễn kiểm chứng.

Những động thái của 8 tháng đầu năm 2013 đối với hoạt động FDI của nước ta cho thấy, đã xuất hiện cơ hội mới để không chỉ thu hút nhiều hơn, mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng vốn đầu tư quốc tế nhằm đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.

Khi đã có định hướng mới về FDI thì cần có nhận thức đúng về tác động của FDI, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI để khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư