Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cảng Phước An: Nhóm cổ đông sở hữu 35 triệu cổ phiếu phủ quyết nhiều tờ trình
Duy Bắc - 02/07/2024 08:01
 
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP - sàn UPCoM) ghi nhận sự bất đồng ý kiến giữa nhóm cổ đông sở hữu 35 triệu cổ phiếu và phần còn lại tại Đại hội.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Cảng Phước An vào tháng 10/2025

Báo cáo kết quả Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Cảng Phước An cho biết, ngày 28/6 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông ghi nhận 24 đại biểu tham dự, tương ứng đại diện 198,97 triệu cổ phiếu, chiếm 99,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Mặc dù tham dự với tỷ lệ lên tới 99,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng kết quả bỏ phiếu đáng chú ý khi các tờ trình như Báo cáo từ kết quả kinh doanh năm 2023, phương hướng năm 2024, báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân kỳ 1 dự án cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần cảng… tất cả đều có cổ đông đại diện 35 triệu cổ phiếu không tán thành, chiếm 17,58% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội.

Trong đó, chỉ các tờ trình liên quan nội dung phương án thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2024, tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2024 được sự thống nhất của toàn bộ cổ đông tham dự Đại hội.

Mặc dù vậy, ngoại trừ nhóm cổ đông đại diện 35 triệu cổ phiếu, nhóm còn lại đều thống nhất tất cả nội dung Đại hội, đồng thời sở hữu quá bán vì vậy toàn bộ tờ trình được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024.

Thực tế, trong phần thảo luận ông Đào Minh Tùng, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Cảng Phước An, đồng thời cũng là người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng đã yêu cầu Công ty Cảng Phước An lập kế hoạch tổng thể triển khai dự án, cũng như khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, đảm bảo việc triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước và pháp luật; Hội đồng quản trị và Ban điều hành Cảng Phước An chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cổ đông về việc quản lý, điều hành, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của các cổ đông và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời, đề nghị Cảng Phước An khẩn trương hoàn thành xử lý dứt điểm khoản phải thu của gói thầu xây lắp XL01 cũ còn tồn lại 3,8 tỷ đồng, chịu trách nhiệm đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả, trả trước cho người bán, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu Cảng Phước An hoàn thiện nội dung báo cáo liên quan đến các giao dịch giữa Cảng Phước An, Công ty con, Công ty do Cảng Phước An nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với thành viên HĐQT và những người có liên quan của thành viên HĐQT và giao dịch giữa Cảng Phước An với công ty trong đó thành viên HĐQT là thành viên sáng lập hoặc là người quản lý doanh nghiệp trong thời gian 3 năm gần nhất.

Đối với vấn đề Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu Phân kỳ 1 dự án cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần cảng, Đại diện cổ đông Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị Cảng Phước An thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai minh bạch, hiệu quả.

Được biết, ngày 25/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1243/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn hết năm 2025. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thoái toàn bộ vốn của mình tại Cảng Phước An, thời gian dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025.

Liên tục pha loãng sở hữu nhà nước mặc dù vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu Cảng Phước An

Theo tìm hiểu, Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Petrovietnam sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu hoạt động từ ngày 14/8/2008, nhưng bắt đầu từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; và năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu nhìn vào lịch sử trước các đợt chào bán riêng lẻ, năm 2015, cổ đông nhà nước - Petrovietnam sở hữu 79,54% vốn điều lệ tại Cảng Phước An và ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con khi sở hữu 35 triệu cổ phiếu Cảng Phước An.

Tuy nhiên, trải qua 4 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại Cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,54%, về 17,5% vốn điều lệ, tức giảm 62,04% vốn điều lệ.

Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam.

Vậy là, từ khi thành lập năm 2008 tới nay, cổ đông nhà nước không bán vốn, nhưng do trải qua các đợt phát hành riêng lẻ liên tục, tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm từ việc chi phối trên 51% xuống còn 17,5% vốn điều lệ, quyền chi phối Công ty đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.

Một cổ đông lớn bán ra 12,5 triệu cổ phiếu Cảng Phước An trước thềm Đại hội
Mua vào và trở thành cổ đông lớn năm 2022 nhưng tới ngày 23/5, ông Nguyễn Quốc Quân bất ngờ bán ra 12,5 triệu cổ phiếu CTCP Dầu khí Đầu tư Khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư