Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sắp kết thúc?
Khả Hân (DNSG) - 14/03/2019 20:31
 
Sau gần một năm đối đầu thương mại, trong đó hàng rào thuế quan đã được triển khai hơn nửa năm qua, nhiều người kỳ vọng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sắp đến hồi kết thúc.

Chờ đợi một cuộc gặp

Sau nhiều vòng đàm phán thương mại liên tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tháng 2, kết quả tích cực đạt được đã giúp xoa dịu nỗi lo ngại về thương mại, cũng như “hạ nhiệt” mối quan hệ căng thẳng giữa 2 bên suốt thời gian dài.

Việc Chính phủ Mỹ quyết định gỡ bỏ thời hạn tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, mà dự kiến sẽ thực hiện vào đầu tháng 3, được xem là một thành công lớn đối với Bắc Kinh và cũng cho thấy thiện chí muốn ký kết hiệp định thương mại giữa 2 nước.

Về phần Trung Quốc, nước này cũng hứa hẹn sẽ đáp ứng những đòi hỏi của Washington về các vấn đề như cải cách cấu trúc kinh tế, ngừng đánh cắp mạng và vi phạm sở hữu trí tuệ, đồng thời hứa hẹn sẽ mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại cho phía Mỹ.

Ngày 3/3, hãng tin AP ghi nhận một điều bất thường tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc, đó là các đại biểu có thể thông qua một luật cấm cán bộ thúc ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Dự luật này được cho là nhằm xoa dịu Washington để tiến đến kết thúc cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước.

Dữ liệu thương mại mới đây của Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu trong tháng 2 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây dường như là hệ quả tất yếu của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại của nước Mỹ trong năm 2018 đã lên mức cao nhất trong 10 năm, với 621 tỷ USD, bất chấp các hàng rào thuế quan đã dựng lên. Vì lẽ đó, một hiệp định thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế này cấp thiết hơn bao giờ hết để tránh gây thêm thiệt hại.

Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng một hiệp định thương mại với Trung Quốc sớm được ký kết để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên. Từ lâu vị Tổng thống Mỹ này luôn lấy diễn biến thị trường chứng khoán như là một thước đo cho sự thành công trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình. Tính từ thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11/2016 đến nay, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã tăng đến 42%.

Chính vì vậy, thị trường đều đang chờ đợi vào một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, mà theo một số nguồn tin chia sẻ trước đó, dự kiến diễn ra vào ngày 27/3 tới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida. Ông Trump trước đây cũng từng nhiều lần tuyên bố một hiệp định chính thức chỉ có thể được ký khi ông và ông Tập gặp nhau.

Thỏa thuận không phải là tất cả

Dù vậy, theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc - Terry Branstad, vẫn còn nhiều công việc cần phải thực hiện giữa 2 bên, theo đó Washington và Bắc Kinh vẫn chưa chốt ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh để hoàn thành việc ký kết bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào. Branstad cũng cho biết 2 bên có thể phải tiếp tục đàm phán để thu hẹp hơn nữa những khác biệt, trước khi tổ chức một hội nghị cấp cao nhất.


Một thỏa thuận thương mại nếu chính thức được ký cũng chưa chắc có thể kết thúc mọi thứ, khi chính quyền của ông Trump muốn có khả năng áp thuế đối với Trung Quốc nếu nước này vi phạm quy ước trong bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong tương lai, mà không bị đáp trả.

Tuy nhiên, cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems cho biết, ngày 8/3 các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump không công bố bất kỳ kế hoạch mới nào về việc cử phái đoàn tới Trung Quốc đàm phán thương mại trực tiếp, dù còn rất nhiều việc phải làm để 2 bên có thể ký kết thỏa thuận thương mại.

Trong khi đó, ông Trump cũng thỉnh thoảng đưa ra những phát biểu khó lường khiến giới đầu tư lo lắng, khi tuyên bố có thể rời khỏi một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc nếu nó không đủ tốt, ngay cả khi các cố vấn ca ngợi những tiến triển trong quá trình đàm phán với Bắc Kinh.

Cũng cần biết rằng, một thỏa thuận thương mại nếu chính thức được ký cũng chưa chắc có thể kết thúc mọi thứ, khi chính quyền của ông Trump muốn có khả năng áp thuế đối với Trung Quốc nếu nước này vi phạm quy ước trong bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong tương lai, mà không bị đáp trả. Điều này đồng nghĩa với việc phía Mỹ có thể đơn phương áp đặt các hàng rào thuế trở lại nếu Trung Quốc không thực thi một cách nghiêm túc các điều khoản thỏa thuận.

Rõ ràng các quan chức Hoa Kỳ đã có nhiều trải nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc, khi nước này đã nhiều lần chỉ nói mà không hề có bất kỳ hành động nào để can thiệp hoặc xử lý các vấn đề. Chính vì vậy, điều quan trọng là các hành động thực thi của Trung Quốc, chứ không phải là một thỏa thuận đơn thuần trên giấy tờ. Dù vậy, một điều khoản cài cắm cho phép Mỹ đơn phương hành động như vậy được xem là một cơ chế xâm phạm chủ quyền, mà phía Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không chấp nhận.

Trong bài phát biểu ngày 9/3, Thứ trưởng Bộ Thương mại đồng thời là Phó đại diện thương mại quốc tế Trung Quốc - ông Wang Shouwen tỏ ra khá lạc quan về các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng theo ông thì mục tiêu đạt được thỏa thuận cùng có lợi và cùng đáp ứng được lợi ích của 2 quốc gia và sự trông đợi của cộng đồng quốc tế, theo đó bất kỳ cơ chế thương mại nào đạt được đều phải đảm bảo sự bình đẳng và công bằng.

Hội đồng CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do
Ngày 19/1, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được tổ chức tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư