Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
Cảnh báo an toàn thực phẩm từ “chợ online”
Dương Ngân - 01/09/2021 06:36
 
Trong những ngày giãn cách xã hội, chợ online tại các chung cư trở nên rất sôi động, nhưng đi kèm với đó là những lo ngại về vấn đề nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh.
Người tiêu dùng nếu cần mua ở các chợ cư dân online, nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tìm hiểu kỹ về sản phẩm

Mua nhanh, bán vội

Những này này, dạo một vòng “chợ online” của khu chung cư Xuân Mai (Hà Đông, Hà Nội), sẽ thấy vô vàn lời chào mời hấp dẫn với các sản phẩm đa dạng, từ thịt bò sạch Nam Định, thịt lợn Tuyên Quang, đến nhãn Hưng Yên, ổi Hải Dương do cô, dì, chú, bác nhờ… giải cứu. Ngoài sản phẩm có “mác quê”, còn rất nhiều món ăn vặt do cư dân tự làm rồi rao bán.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, cư dân tòa nhà The Vesta (Hà Đông) cho biết, chợ cư dân online rất tiện ích, đáp ứng các nhu cầu, từ thực phẩm thông thường đến đặc sản vùng miền, thực phẩm nhập khẩu cao cấp, nhưng “đi chợ online” cũng có những rủi ro nhất định.

Một lần, chị Hạnh mua táo Envy từ chủ Faceboook M.H. với giá 200.000 đồng/kg, nhưng khi mang sản phẩm ra sử dụng, thì thấy mùi hóa chất nồng nặc. Trước đó, chị mua sản phẩm thịt bò Úc của tài khoản Đ.T. với giá 180.000 đồng/khay 500 gram, song khi ăn thì thấy thịt có “mùi lạ”. Chị có phản ánh với chủ hàng, song chủ hàng một mực khẳng định, thịt mới nhập về.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Đầu tư được biết, nhiều sản phẩm được bán trên “chợ online” trong tình trạng “3 không”: không có nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn dùng, song người dùng lại dễ dãi, tin tưởng “hàng xóm” và sự tiện lợi của việc giao hàng tận nhà, nên dễ dàng bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Chưa kể, trong bối cảnh dịch bệnh, rất nhiều cư dân vô tình liên quan đến các ca nhiễm Covid-19, phải tạm cách ly tại nhà chờ đợi kết quả của F1, nhưng vẫn chế biến món ăn, quảng bá online và bán khắp nơi. Trường hợp không may F1 trở thành F0, người bán hàng đương nhiên trở thành F1 và chuỗi lây nhiễm (nếu có) từ đó sẽ rất khó kiểm soát.

Lo ngại chất lượng

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất lượng thực phẩm phụ thuộc lớn vào nguồn gốc, điều kiện bảo quản. “Nếu sản phẩm quá hạn dùng, mà người kinh doanh vẫn cố bán cho người tiêu dùng để thu lợi, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, ông Phong cảnh báo.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng “chợ online” nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý thực phẩm “bẩn” ở mức cao nhất. Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, cùng với trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm, Thành phố sẽ tập trung giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nếu cần mua ở các chợ cư dân online, nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tìm hiểu kỹ về sản phẩm, chọn những chủ tài khoản bán hàng uy tín, được đánh giá cao, không nên mua vội vàng để rồi phải gánh hậu quả.        

Thịt, rau vào chợ online, bất động sản xuống đường bán dạo
Tưởng chừng việc bán dạo ngoài đường chỉ xảy ra với các mặt hàng giá trị thấp như thịt, rau, hoa quả, nhưng nó lại xảy ra với cả sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư