Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh tổ chức tài chính chiếm đoạt tiền vay trong mùa dịch
T.V - 17/08/2021 17:58
 
Vấn nạn mạo danh thương hiệu công ty tài chính để gây nhầm lẫn cho người có nhu cầu vay vốn, yêu cầu phải đóng tiền cọc để được giải ngân, chiếm đoạt tiền của người đi vay gia tăng.

Đây là thủ đoạn có dấu hiệu lừa đảo được không ít công ty tài chính đưa ra cảnh báo giữa dịch Covid-19 trong thời gian gần đây.

Cụ thể, công ty tài chính VietCredit đã nhận được phản ánh của nhiều người về một tổ chức giả mạo thương hiệu Công ty, đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng đang có nhu cầu vay vốn với mục đích chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc lấy cắp thông tin cá nhân với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Theo đó, một nhóm đối tượng cho vay tiền qua ứng dụng (app) tên Space và dùng các thủ thuật như sử dụng tên tương đồng với tên công ty của VietCredit nhưng lại dùng chính xác thông tin địa chỉ trụ sở, chi nhánh của VietCredit cung cấp cho người đi vay, nhằm cố ý tạo nhầm lẫn đây là app cho vay của VietCredit, từ đó chiếm đoạt tiền của người đi vay.

Đầu tiên, các đối tượng tiếp cận người đang có nhu cầu vay vốn qua Zalo để chào mời vay tiền và gửi cho họ một tệp để cài đặt app Space.

Sau đó, đối tượng gửi hình ảnh văn bản yêu cầu người vay phải đóng trước một khoản tiền cọc để xác minh khả năng chi trả và hứa hẹn người vay sẽ nhận lại đủ toàn bộ số tiền vay và tiền cọc khi khoản vay được giải ngân vào tài khoản ngân hàng của chính người vay.

Đối tượng lừa đảo làm giả văn bản tinh vi với đầy đủ dấu mộc và cố tình lồng ghép tên, thông tin của VietCredit để thuyết phục người đi vay đóng tiền. Vì tin rằng đang sử dụng sản phẩm của VietCredit nên nhiều người đã chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của đối tượng trong tổ chức app Space.

Sau khi người đi vay đã đóng tiền cọc, nhóm đối tượng tiếp tục dùng nhiều lý do như số tài khoản ngân hàng bị sai, khoản giải ngân đang bị Ngân hàng Nhà nước phong tỏa hay người vay vốn đang có tín dụng xấu cần phải gỡ bỏ,… nhằm dụ dỗ họ đóng thêm các khoản tiền lớn hơn để được tiếp tục vay.

Đại diện VietCredit khẳng định tổ chức Space, app Space không liên quan hay có bất kỳ mối liên hệ vào với VietCredit. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty chỉ phát hành Thẻ Vay VietCredit.

Với thẻ vay, khách hàng được cấp một hạn mức phù hợp với khả năng tài chính và dùng để rút tiền tại các ATM toàn quốc (có liên kết với Napas) khi cần chi tiêu.

VietCredit không giải ngân vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Mỗi khách hàng sẽ được VietCredit cấp một tài khoản thẻ vay giúp quản lý khoản vay của mình thuận tiện và dễ dàng. Đây cũng là điểm khác biệt của thẻ vay khi khách hàng không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn được giải ngân khoản vay tiêu dùng.

Công ty này cũng không yêu cầu khách hàng đóng tiền cọc trong quá trình thẩm định. Theo lãnh đạo Viet Credit, việc yêu cầu khách hàng chuyển tiền để chứng minh tài chính và khả năng thanh toán khoản vay là sai. Đó chính là dấu hiệu của lừa đảo mà người đi vay cần phải lưu ý để tránh bị lợi dụng.

Đồng thời, Công ty không thu phí mở thẻ cũng như phí cấp gửi thẻ cho khách hàng. Do đó, khách hàng tuyệt đối không thực hiện việc trả phí mở và gửi thẻ vay khi có đối tượng yêu cầu. 

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, tình hình gian lận và lừa đảo vay tiêu dùng có xu hướng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi như đánh cắp giấy tờ tùy thân để làm giả hồ sơ vay.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lừa lấy mã OTP để rút tiền; giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính. Các đối tượng lợi dụng người dân có nhu cầu vay nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.

Các hình thức lừa đảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng phổ biến hiện nay gồm: qua thư điện tử (Email), SMS, gọi điện thoại, qua trang mạng giả mạo, qua mạng xã hội facebook, zalo, qua giao dịch thương mại điện tử...

Từ thực tế trên, Cục Cạnh tranh Và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không nên cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ.

Đồng thời, khách hàng cũng không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền …).

Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web/liên kết khác với trang web hay đường dẫn Internet Banking của ngân hàng.

Không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng, đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.

SCB cảnh báo tin nhắn mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng
Hiện nay, đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn SCB để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư