Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Cảnh Dương: Miền quê đứng nơi đầu sóng gió
Ngọc Tân - 15/02/2018 09:49
 
Nhằm phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Dương tiến hành xây dựng sản phẩm Làng văn hóa, du lịch Cảnh Dương

Cảnh Dương là một xã ven biển nằm cạnh quốc lộ 1A, cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10km, kết nối thuận lợi với các khu, điểm du lịch, trung tâm kinh tế xã hội của vùng Bắc Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đèo Ngang. Cảnh Dương cách Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 48km…tiếp cận thuận lợi bằng đường biển đến Cảng Hòn La, Vũng Chùa – Đảo Yến và các tuyến du lịch đường sông đi Sông Gianh, sông Son.  

Vị trí địa lý xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Vị trí địa lý xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), tính đến nay, xã có lịch sử hình thành và phát triển gần 375 năm. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “bát danh hương” của Quảng Bình xưa bao gồm “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim’’, làng quê giàu truyền thống khoa bảng, làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp với khẩu hiệu “rào làng chiến đấu”, hai lần được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; cùng với truyền thống nghề ngư nghiệp của Làng biển:“Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió” (Quảng Bình quê ta ơi –Nhạc sĩ Trần Hoàn), đã tạo nên thương hiệu độc đáo riêng cho Cảnh Dương. Hiện tại, Cảnh Dương cũng là một trong những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn tốt nhất trong tỉnh. Sự hòa quyện giữa yếu tố làng quê truyền thống yên bình và sự hiện đại đổi mới tạo nên một Cảnh Dương “phố trong làng”.

Đến Cảnh Dương, du khách không chỉ ngắm nhìn cảnh quan của một làng biển trù phú mà còn được trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo như Linh Ngư Miếu, tham quan đình thờ Tổ - nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa quý giá như quả chuông lớn mang tên“Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801), 2 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng; các giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như các lễ hội: lễ hội cầu ngư, lễ hội rước lửa, lễ hội đua thuyền, các điệu ca nhạc dân gian đậm đà sắc thái biển, sắc thái địa phương: hò ru, chèo cạn… Cảnh Dương cũng là vùng quê nổi tiếng về văn hóa ẩm thực trong vùng, điều này được thể hiện rõ qua câu ca dao:“ Thơm ngon nước mắm Cảnh Dương/ Cá tôm miền biển cũng nguồn lợi to”. 

Bên cạnh đó, Cảnh Dương là địa phương có kiến trúc độc đáo, nơi những ngôi nhà cổ bằng đá san hô trong lòng đô thị đang phát triển; cũng là cũng nơi có làng nghề truyền thống với ngành nghề đa dạng và phong phú như làm nước mắm, làm thuyền thúng, nghề mộc, nuôi đà điểu…

Từ những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn này cùng với vị trí tiệm cận khu du lịch Vũng Chùa – Đảo, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), UBND xã Cảnh Dương lựa chọn Cảnh Dương để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình.




Nhắc đến Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) với Linh Ngư Miếu, Lễ hội Cầu Ngư. Linh Ngư Miếu là nơi thờ 2 bộ xương cá Voi có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m. Theo truyền thuyết của làng, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây Gia Phả) có ghi “cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9, cá ông vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16”. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó,bộ xương cá bà được thờ ở bên phải và bộ xương cá ông được thờ ở bên trái. 

Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, có thể được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam sau khi hoàn thành việc phục chế. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa Cá Voi nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay. Có lẽ đây là cái duyên, sự trùng hợp ngẫu nhiên khi thế đất của Cảnh Dương nhìn từ trên cao như hình 2 con cá voi đang vẫy đuôi tiến vào bờ.

Về Cảnh Dương hôm nay, du khách bốn phương còn có thể được thưởng thức trải nghiệm, tham gia những hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống và đặc sắc. Đó là tục truyền lửa vào đêm Giao thừa được tổ chức tại đình thờ Tổ, với mong muốn truyền sự may mắn, hạnh phúc, tiếp lửa cho tinh thần người dân trong năm mới để đạt được nhiều thành công hơn; Lễ hội Cầu Ngư vào rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động như lễ rước, lễ cầu ngư, múa rối, hát ru, hò chèo cạn; các trò chơi Cờ người, trải nghiệm hát ru…

Đặc biệt, hát ru Cảnh Dương với người đàn ông là các nghệ nhân chính, điệu hát ấm áp đi sâu vào lòng bao nhiêu thế hệ con em Cảnh Dương nói riêng và Quảng Bình nói chung đã trở thành bản sắc, nét văn hóa độc đáo hiếm có đối với khu vực này.

Không những vậy, đến Cảnh Dương giờ đây, du khách sẽ ngỡ ngàng với cung đường bích họa bắt đầu từ Đình thờ Tổ cho đến đường ven biển không khác gì với làng Bích Họa Tam Thanh nức tiếng ở Quảng Nam. Với những bức tranh tường, tranh 3D độc đáo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng biển trù phú này. Trên cung đường bích họa ấy, khách du lịch cũng có thể tham quan những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô, còn nguyên màu rêu xanh cổ kính, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở làng biển trù phú, đứng đầu sóng gió này.

Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết:“ Hiện nay Sở du lịch đang phối hợp với xã Cảnh Dương và các đơn vị hoàn tất các công tác chuẩn bị để triển khai xây dựng Không gian trưng bày các bộ xương cá voi để cho du khách có thể chiêm ngưỡng hai bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam dưới hình dạng nguyên thủy ban đầu. Đồng thời, Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị thực hiện và kêu gọi đầu tư triển khai các khu vực dịch vụ để mang để cho du khách những sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, những sự trải nghiệm khác biệt chỉ có thể cảm nhận tại Cảnh Dương, Quảng Bình như Hải đăng, Nhà hàng Cá Voi, Công viên thuyền thúng…” 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thăm chúc tết Trung tâm Hành chính công tỉnh
Ngày 12/2 (tức 27 Tết Âm lịch), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã trực tiếp thăm hỏi tình hình tiếp nhận, trả kết quả giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư