Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cảnh giác hỏa hoạn tại các siêu thị
 
Thường xuyên tập trung đông người, là nơi có khối lượng hàng hóa lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là trong thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp cuối năm. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa mang tính quyết định để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
 Siêu thị BigC (số 3 đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) còn tồn tại nhiều sai phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Ảnh: Anh Tuấn
Siêu thị BigC (số 3 đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) còn tồn tại nhiều sai phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Ảnh: Anh Tuấn

Kiểm tra là ra vi phạm

Rạng sáng 16-9, siêu thị Thành Đô (số 352 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bất ngờ bốc cháy khiến toàn bộ kết cấu 2 tầng của siêu thị đổ sập, hàng hóa bên trong bị thiêu rụi. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định do chập điện tại quầy ăn nhanh. Điều đáng nói là siêu thị Thành Đô đã từng bị xử phạt nhiều lần về vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy, với các lỗi: Khoảng cách gian hàng, chất dễ cháy không đúng quy định; để vật dụng dễ cháy gần các ổ, bảng điện; lối thoát nạn, tiêu lệnh chữa cháy bị hàng hóa bịt kín...

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, hiện có 33 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, qua rà soát đã phát hiện 15 siêu thị, trung tâm thương mại không an toàn, có thể xảy ra cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, khi kiểm tra thì hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đều vi phạm các quy định an toàn. Nguyên nhân là do các cơ sở này đều tận dụng không gian để trưng bày hàng hóa, một số siêu thị thuê lại không gian tại chung cư, tòa nhà cao tầng nên việc thiết kế thiếu đồng bộ. Siêu thị, trung tâm thương mại cũng chứa nhiều hàng hóa là chất dễ cháy như nhựa, vải vóc, hóa chất khiến cho nguy cơ cháy lớn càng cao; các tủ chứa thực phẩm đông lạnh, đồ điện gia dụng bày bán hoạt động liên tục, không được bảo dưỡng nên rất dễ xảy ra chập điện.

Thế nhưng, thực tế nhiều người khi đi mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại không thấy hết nguy cơ cháy, nổ. Chẳng hạn, Siêu thị BigC (số 3 đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) nằm ngầm phía dưới tòa nhà Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis. Nhưng trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lương (45 tuổi, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, dù đi mua hàng ở siêu thị này hằng tuần nhưng chị không hề biết lối thoát nạn của siêu thị nằm ở đâu. “Khi có cháy chắc tôi chỉ biết chạy đến thang máy” - chị Lương nói. Trong khi đó, tháng 5-2017, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã phát hiện siêu thị này không bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy nên chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn đưa siêu thị vào hoạt động.

Ngoài ra, theo Trung úy Phùng Quang Định, cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 9), ngay cả nhân viên bảo vệ của siêu thị, trung tâm thương mại cũng chưa thực sự nắm vững các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Hầu hết họ là lao động thời vụ, khi được tuyển dụng không được đào tạo về an toàn lao động, thậm chí nhiều người không biết sử dụng bình chữa cháy, khi phát hiện cháy không biết phải xử lý như thế nào...

Cần chủ động phòng ngừa

Hiện nay đang vào mùa hanh khô, lại là dịp cuối năm - thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm lớn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đòi hỏi càng phải nâng cao ý thức phòng cháy. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể; tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở khuyến cáo các siêu thị, trung tâm thương mại chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức cho các đơn vị quản lý siêu thị, trung tâm thương mại ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy...

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ vụ cháy siêu thị Thành Đô vừa qua, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 8 nhấn mạnh, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là sự chủ động tại chỗ, tuân thủ các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đa phần nguyên nhân cháy tại các siêu thị, trung tâm thương mại là do sự cố điện và xảy ra vào ban đêm nên hệ thống điện phải được kiểm tra trong mọi thời điểm, khi đóng cửa vào cuối ngày cần tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đối với máy móc, thiết bị điện tử được sử dụng, bày bán thì việc kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng đúng định kỳ, hệ thống báo cháy phải tuân thủ quy trình bảo trì, bảo dưỡng. Đây là yêu cầu quan trọng để kịp thời phát hiện sự cố có thể xảy ra.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo, ngoài những biện pháp an toàn theo quy định, các siêu thị, trung tâm thương mại cần phải bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp và bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng. Các cơ sở này phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn; đồng thời duy trì tình trạng hoạt động tốt của hệ thống thông gió, hút khói...

Tỷ phú Thái lên kế hoạch “hợp nhất” Metro Việt Nam và BigC Thái Lan
Sẽ “hợp nhất” Metro Việt Nam và BigC Thái Lan là kế hoạch mới nhất được ông chủ mới của Metro Việt Nam, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư