Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân
Huệ Nguyễn - 09/07/2024 07:12
 
Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước, thực hiện các thủ tục liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu VNeID, 113, viễn thông, ngân hàng...để tránh bị lừa đảo.

Theo Bộ Công an, gần đây thường xuyên xuất hiện hình thức lừa đảo giả danh cơ quan quản lý Nhà nước để yêu cầu người dân truy cập đường link chứa mã độc hoặc tải về ứng dụng giả mạo chứa mã độc.

Sau khi người dân click vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng, cho phép truy cập thiết bị, các đối tượng sẽ thu thập được dữ liệu về thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi đến từ số điện thoại cá nhân hoặc số điện thoại giả mạo thương hiệu (Brandname) như VNeID, 113, Vinaphone, Viettel…, các đối tượng giả danh cơ quan quản lý Nhà nước (Cảnh sát khu vực, cán bộ quản lý hộ tịch, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc nhân viên ngân hàng…), thông báo đề nghị người dân bổ sung hoặc sửa đổi dữ liệu thông tin cá nhân để chuẩn hóa theo quy định;

Người dân cần cảnh giác với hình thức giả danh cán bộ Công an, ngân hàng, viễn thông để lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa, hoặc truy cập vào các đường dẫn giả mạo, tải ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử hoặc các tài khoản ngân hàng, thuê bao di động…

Hơn nữa, các đối tượng gây áp lực bằng cách đe dọa nếu không làm theo hướng dẫn thì có thể sẽ bị khóa thuê bao di động, khóa tài khoản ngân hàng hoặc cơ quan Công an sẽ đến nhà làm việc.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, để tạo lòng tin, các đối tượng gọi video call cho người dân với trang phục Công an hoặc giả mạo văn phòng làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Bộ Công an, để phòng tránh các tình huống trên, người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, nhân viên ngân hàng, nhà mạng… đề nghị cung cấp thông tin cá nhân. Tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin của bản thân cho người khác qua điện thoại hoặc mạng xã hội.

Trong trường hợp nhận được yêu cầu chỉnh sửa/bổ sung thông tin cá nhân, cần liên hệ trực tiếp đến Công an phường/xã nơi cư trú; hoặc liên hệ đến số hotline của nhà mạng, ngân hàng khi nhận được yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao hoặc tài khoản ngân hàng.

Khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, người dân cần tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng internet hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân; không nên ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải, bởi người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn.

Đồng thời trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời; liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.

Thêm vào đó, cần lưu lại tất cả thông tin lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo.

Trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử, người dân cần cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân.

Qua đó, cần cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.

Bộ Công an: Nhiều thủ đoạn lừa đảo từ các hội, nhóm chat đầu tư chứng khoán
Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về việc một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat, giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư