Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mạo danh nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin
Tú Ân - 25/03/2023 09:15
 
Lợi dụng yêu cầu chuẩn hóa thông tin cá nhân đối với các thuê bao di động, các đối tượng xấu đã mạo danh nhà mạng gọi điện, nhắn tin với mục đích lừa đảo.

Ngày 22/3, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, phản ánh của các cơ quan truyền thông cho thấy, trong quá trình các doanh nghiệp tổ chức chuẩn hóa thông tin thuê bao, có hiện tượng một số đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi có dấu hiệu mạo danh lừa đảo, quảng cáo vi phạm pháp luật.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo tự nhận là người của Cục Viễn thông hoặc nhân viên nhà mạng gọi điện thông báo người dùng sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. Người dùng được yêu cầu cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa. Nếu người dùng thực hiện theo các hướng dẫn, sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục Viễn thông hay các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước không gọi điện tới người dân yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Thông báo đề nghị chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi các kênh chính thức của các nhà mạng di động.

“Việc chuẩn hóa là hoàn toàn miễn phí, không có nội dung nào yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu (nếu có) liên quan đến chuyển tiền, cung cấp số tài khoản ngân hàng gắn với việc chuẩn hóa thông tin”, ông Nhã cho hay.

Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số lạ, dọa khóa thuê bao. Nếu nhận được các tin nhắn giả danh các nhà mạng, người dân không ấn vào đường link yêu cầu cập nhật thông tin.

Trước tình trạng trên, mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, đề phòng các cuộc gọi từ số lạ, dọa khóa thuê bao. Nếu nhận được các tin nhắn giả danh các nhà mạng, người dân không ấn vào đường link yêu cầu cập nhật thông tin.

Theo khuyến cáo của đại diện MobiFone, quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Do vậy, khách hàng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng. Quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao đều hoàn toàn miễn phí, khách hàng chỉ tiếp nhận thông tin và làm theo hướng dẫn khi nhận được tin nhắn chính thức từ brandname của nhà mạng.

Còn nhà mạng Viettel cho hay, mỗi nhà mạng đều có các đầu số được định danh để cung cấp thông tin tới khách hàng và hoàn toàn không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP qua điện thoại. Khách hàng tuyệt đối không làm theo và cung cấp thông tin cá nhân cho các cuộc gọi, tin nhắn được gửi từ đầu số lạ.

“Chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn của Viettel hoặc cuộc gọi từ tổng đài mới cần đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel để chuẩn hóa, cập nhật thông tin trước ngày 31/3. Những khách hàng không nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ các nguồn trên thì yên tâm sử dụng dịch vụ và cần cảnh giác khi có người gọi thông báo chặn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân”, đại diện Viettel cho hay.

Theo đại diện VinaPhone, hiện nhà mạng chỉ thực hiện thông báo đến các khách hàng nằm trong diện cần phải kiểm tra, chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua tin nhắn và các cuộc gọi tự động hiển thị tên định danh “VinaPhone”. Sau khi nhận được thông báo, khách hàng hoàn toàn có thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng và website chính thức của VinaPhone, tại các điểm giao dịch VinaPhone trên toàn quốc, hoặc liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn. VinaPhone sẽ không đột ngột khóa thuê bao của bất kỳ khách hàng nào ngay sau khi thông báo, mà sẽ thực hiện theo đúng trình tự quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngay cả khi nhận được tin nhắn của nhà mạng, thì khách hàng vẫn có khả năng bị lừa. Thủ đoạn dùng trạm phát sóng di động giả mạo đã được phát hiện trong thời gian qua.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia VN (NCS) cho biết, hình thức gửi tin nhắn brandname giả mạo rất phổ biến thời gian qua. Kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname của nhà mạng, thì người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, cần xác minh lại qua kênh thứ 2 như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc cẩn thận hơn thì đến điểm giao dịch để xác minh lại.

Khuyến cáo về cuộc gọi lừa đảo "con đang cấp cứu"
Thời gian qua, nhiều phụ huynh đã liên tiếp nhận được các cuộc gọi thông báo con em họ đang bị cấp cứu tại bệnh viện rồi được đề nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư