Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cao Lãnh sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2020
Huy Tự - 04/01/2015 09:24
 
() Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh khẳng định, với chiến lược xây dựng Thành phố Năng động - Văn minh - Thân thiện - An toàn, Cao Lãnh sẽ trở thành đô thị loại II vào 2020.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam
Đại gia nông nghiệp Hàn Quốc ký dự án PPP với Đồng Tháp
Thủ tướng phê chuẩn, bổ nhiệm lại lãnh đạo cấp cao
Đồng Tháp: Phục vụ DN, nhà đầu tư như khách hàng

Xin ông cho biết đôi nét về lợi thế, tiềm năng TP. Cao Lãnh trong vị thế đô thị trung tâm, động lực của Vùng Đồng Tháp Mười?

Cao Lãnh vào những năm 1980 vẫn còn là đồng ruộng hoang sơ, nằm ven Đồng Tháp Mười, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, giao thông hầu như chẳng có gì, còn nhớ những năm 1990, hễ mùa nước lũ là cả Cao Lãnh bị ngập. Nhưng rồi người dân và chính quyền cùng chung sức, đồng lòng bắt tay xây dựng diện mạo đô thị mới đẹp hơn.

Từ một vùng đất trũng ngập nước, Cao Lãnh đã biến thành một thành phố khang trang, đường sá rộng rãi, thoáng đãng hơn, kết hợp hài hoà với cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên, công viên, cây xanh - đặc trưng của vùng đô thị sông nước Miền Tây.

Cao Lãnh sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2020
 Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh

Là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu năm 2007, khi Cao Lãnh được trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị mới được quy hoạch, đầu tư nâng cấp ngày một khang trang, hiện đại, đóng vai trò quan trọng là đô thị động lực trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Tuyến quốc lộ 30 được Chính phủ chủ trương xây dựng và mở rộng đến tận biên giới Campuchia. Dự án cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, cầu Vàm Cống bắc ngang sông Hậu, quốc lộ N2 xuyên Đồng Tháp Mười cũng đang được triển khai. Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà đã được mở ra... 

Trên địa bàn hiện có Khu công nghiệp Trần Quốc Toản với diện tích là 55,937 ha, dự kiến sẽ mở rộng thêm 180 ha, là một trong hai khu công nghiệp tập trung của tỉnh nằm trong hệ thống các khu công nghiệp của cả nước, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố và của tỉnh.

Các mặt hàng ưu thế của thành phố gồm: thủy sản xuất khẩu, dược phẩm, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cây ăn trái…

Về giao thông: đến nay đã từng bước chỉnh trang nâng cấp, tỷ lệ đường chính trong đô thị đạt 4,33 km/km2; các tuyến giao thông liên xã đều đã được bê-tông và nhựa hóa. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông, kênh rạch lớn chảy qua với chiều dài hơn 1.462 km; cảng Cao Lãnh là một trong các cảng sông lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên tuyến đường thủy quốc tế đi Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi trong việc gắn kết giữa sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh trong khu vực, TP.HCM và quốc tế.

Đến nay, Dự án sản xuất hoa lan giống và thương phẩm công nghệ cao, Siêu thị Co-op mart Cao Lãnh, Nhà máy Giày Nghị Phong, khu đô thị mới phường Mỹ Phú... đã đi vào hoạt động. Một trong những điểm mạnh của Thành phố là du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái, đến TP. Cao Lãnh, sẽ được viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một trong những điểm tham quan trọng tâm trong tuyến kết nối du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái của tỉnh như Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu căn cứ địa cách mạng Xẻo Quít, rừng tràm sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc...

Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp
Từ một vùng đất ngập nước, Cao Lãnh đã biến thành một thành phố khang trang, đường sá rộng rãi.
Ảnh: Huy Tự

Thưa ông, để có được diện mạo mới của Cao Lãnh như ngày hôm nay, TP. Cao Lãnh đã tập trung nguồn lực đầu tư toàn xã hội ra sao?

Cao Lãnh đã huy động hiệu quả nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 8.107 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chiếm 52,28% (4.239 tỷ đồng). Trong giai đoạn này, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt cao là do có 3 dự án lớn sử dụng các nguồn vốn ODA, đó là các dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cao Lãnh (vốn ODA của Ngân hàng Thế giới), Hệ thống thoát nước trên địa bàn các phường 1, 2 ,3 của thành phố Cao Lãnh (vốn ODA của Na Uy), cầu Cao Lãnh (vốn ODA của Australia). Các công trình do Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn thành phố đang được triển khai thực hiện thuận lợi và đạt kết quả bước đầu khả quan, đã huy động được nhiều nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trong thời gian tới.

Kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư có trọng điểm, quy hoạch các dự án mới, đảm bảo các tiêu chí thiết yếu cho việc phát triển đô thị. Thực hiện Chương trình hành động về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 đạt kết quả khả quan, khu dân cư được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Hệ thống công trình giao thông được quan tâm duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn giao thông, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại.

Được biết, Cao Lãnh đã hoàn thành việc lập kế hoạch phát triển dài hơi cho Thành phố?

Thực hiện Dự án Lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế địa phương, được sự hỗ trợ của Liên đoàn Đô thị Canada thông qua Hiệp hội các đô thị Việt Nam, TP. Cao Lãnh đã thực hiện xong dự án lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

Sản phẩm của Dự án là Bản kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế địa phương đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh 4 sản phẩm chủ lực của thành phố là: Du lịch, Cụm cảng sông, Xoài và Sen. Những ý tưởng mang tính định hướng của Bản kế hoạch chiến lược là một trong những nội dung quan trọng trong việc thảo luận và xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời đề xuất 5 chương trình hành động thực hiện nội dung kế hoạch. Trong đó xác định: lấy du lịch làm định hướng cho phát triển kinh tế đô thị của thành phố Cao Lãnh; Phát huy lợi thế tiềm năng của Cụm cảng sông dọc theo bờ sông Tiền đi qua địa bàn Thành phố để kêu gọi thu hút đầu tư; Tập trung đầu tư cho sản phẩm xoài xuất khẩu và sản phẩm sen các loại; Thực hiện liên kết hóa, xã hội hóa, doanh nghiệp hóa và công nghệ hóa trong điều hành tác nghiệp. Chủ động trong quá trình vừa làm hồ sơ báo cáo khả thi các dự án sản xuất, kinh doanh, vừa liên kết, kết nối nhà đầu tư.

Những mục tiêu trọng tâm nào để TP. Cao Lãnh phát triển từ nay đến 2020, nhằm phát huy xứng tầm lợi thế và tiềm năng của đô thị trung tâm, động lực Vùng Đồng Tháp Mười?

Nghị quyết HĐND Thành phố và định hướng quy hoạch chung của tỉnh và Đề án phát triển chiến lược của thành phố Cao Lãnh (đến năm 2020, tầm nhìn 2030) nhấn mạnh: Xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành Thành phố Năng động - Văn minh - Thân thiện - An toàn, đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020; cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng phát triển bền vững, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh. Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; gắn bảo tồn truyền thống lịch sử, văn hóa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng chính quyền thân thiện, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cụ thể:

Một là lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Định hướng việc hình thành và phát triển các tuyến phố chuyên doanh thương mại - dịch vụ cao cấp trong khu vực nội ô (phường 2, một phần phường 1 và phường 3); đầu tư hạ tầng các xã phường ven nội ô để phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ (phường 3, phường 4, phường Mỹ Phú và một phần xã Mỹ Tân), phát triển thương mại - dịch vụ toàn tuyến từ trung tâm thành phố ra khu chức năng đô thị giáo dục phường 6.

Hai là, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong xây dựng mô hình sản phẩm chủ lực của thành phố như: Cụm cảng sông đô thị, Xoài, Sen để phát triển du lịch theo Đề án phát triển du lịch TP.Cao Lãnh gắn với tái cơ cấu ngành du lịch của tỉnh, nhất là khai thác du lịch sinh thái miệt vườn (Hòa An, Tân Thuận Tây), du lịch sông nước (xã cù lao Tân Thuận Đông), khu du lịch nghỉ dưỡng (phường 6), kết nối cảnh quan cầu Cao Lãnh và các di tích lịch sử quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn thành phố.

Ba là, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Xúc tiến mời gọi nhà đầu tư để lấp đầy Khu công nghiệp Trần Quốc Toản, tiến tới đầu tư xây dựng mở rộng giai đoạn 2. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm khu công nghiệp trên địa bàn. Mời gọi đầu tư Trung tâm kho vận tải Trần Quốc Toản, Mỹ Trà với nhiều chức năng như: kho vận, đầu mối giao dịch, vận chuyển, thông tin dịch vụ.

Bốn là, căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được duyệt và tình hình phát triển thực tế, xác định thành phố Cao Lãnh lên đô thị loại II vào năm 2020 và phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Tiếp tục định hướng phát triển theo hướng ra sông Tiền, đồng thời kết nối các tuyến giao thông quan trọng như đường cao tốc N2, cầu Cao Lãnh, tuyến tránh Quốc lộ 30, tuyến cặp Sông Tiền. Xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là động lực và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, vận dụng các nguồn lực để kêu gọi và thực hiện đầu tư bằng nhiều hình thức.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư