Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cao tốc Bắc - Nam: Tình hình khó quá, mong Thường vụ Quốc hội gỡ khó
An Nguyên - 16/05/2020 19:05
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiên trì thuyết phục Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất chuyển 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công.
TIN LIÊN QUAN
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiên trì thuyết phục Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ trương có rồi, tiền có rồi, đã giải phóng 80% mặt bằng rồi, nếu cho chuyển đổi thì có thể giải ngân được ngay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiên trì thuyết phục Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất chuyển 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công.

Cuối phiên họp thứ 45, chiều 16/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề xuất trên của Chính phủ.

Quan điểm của Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) là chỉ chuyển đổi một số trong 8 dự án PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại.

Việc này, theo Uỷ ban Kinh tế cũng bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.

Ban đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số vị khác cũng nghiêng về phương án này.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh phải thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Nếu chỉ chuyển đổi một dự án thành phần không có nhà đầu tư tham gia thì Thường vụ Quốc hội có thể quyết định được ngay. Còn đề xuất chuyển cả 8 dự án như lý do Chính phủ nêu thì Quốc hội khó có thể đồng tình được.

Nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã bàn rất thận trọng, xem xét rất kỹ trước khi trình sang Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, chủ trương ban đầu làm 8 dự án theo hình thức PPP là rất đúng, nhưng quá trình triển khai có vấn đề rất lớn không làm được. Đó là hiện tại mới sơ tuyển chứ chưa đấu thầu nhưng đã biết là sẽ rất khó khăn trong huy động vốn, vì các dự án không huy động được các nhà đầu tư thực thụ, chỉ có 32 nhà thầu, không có một nhà đầu tư nào cả.

Bộ trưởng cũng cho rằng, dự án này còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vì cơ sở hạ tầng rất thấp, không đủ cho nền kinh tế cất cánh hay trỗi dậy, nên chắc chắn phải làm.

"Một tỉnh của Trung Quốc chỉ có  3 năm người ta làm hơn 2.000 km đường cao tốc, còn ta chỉ có 1.700 km từ Bắc đến Nam mà 45 năm năm nay chưa làm nổi, hơn lúc nào hết nhiệm kỳ này phải quyết tâm làm, bây giờ tình hình khó quá thì báo cáo để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gỡ cho, giúp cho", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.

Tiền có rồi, chủ trương có rồi, quy hoạch có rồi, đã giải phóng 80% mặt bằng rồi, nếu cho làm ngay thì có thể giải ngân được ngay, xin thưa với Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến giờ chưa có công trình  trọng điểm nào được khởi công cả, đây là vấn đề rất là bữc xúc, rất cần tháo gỡ để Chính phủ có thể khởi công công trình này, Bộ trưởng nói tiếp.

Về vướng mắc liên quan đến quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công, Bộ trưởng giải thích, quy định 20% là tính trên tổng đầu tư của bộ, ngành chứ không phải trên một dự án cụ thể. Mà Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ vừa rồi được bố trí hơn 200 ngàn tỷ thì có thể được chuyển 48 ngàn tỷ sang giai đoạn sau, mà dự án chỉ cần thêm hơn 44 ngàn tỷ.

Hiện nay Chính phủ thấy rất khó, nếu chờ đấu thầu không đấu được thì toàn bộ 55 ngàn tỷ  đã bố trí cho dự án này là không làm gì được, phải đẩy sang nhiệm kỳ sau. Chúng tôi rất mong Thường vụ có cách tháo gỡ để Chính phủ có thể triển khai sớm, Bộ trưởng kiên trì bày tỏ.

Nếu nói thế sao lúc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư anh không trình luôn từ đầu là làm theo hình thức đầu tư công thì không mất thời gian ba năm qua? Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Lúc đó chưa tính được khả năng huy động vốn, và thực tế hiện nay thì khó khăn thưc sự, rất mong Thường vụ tháo gỡ, Bộ trưởng Dũng trả lời.

Sau khi tiếp tục thảo luận và nghe thêm một số ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa ra quyết định mà đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục chuẩn bị để xem xét tại phiên họp Thường vụ 45B, nếu đủ điều kiện thì sẽ báo cáo Quốc hội trong đợt họp trực tiếp vào giữa tháng 6/2020.

Bình luận bài viết này
  • Doanh nghiệp 21:43 | 16-05-2020
    Cao tốc bắc - nam không có nhà đầu tư. Dễ thôi. Vậy 50% đường sắt cao tốc 1 phía và phía kia thì đường bọ cao tốc. Vốn chỉ 1 nửa nhưng hiệu quả gấp đôi.
  • tvm 14:19 | 19-05-2020
    Thất vọng! Tiếp tục chờ đợi! Hạ tầng không phát triển được, làm sao phát triển kinh tế!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư