Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “vượt bão Corona”, xây “khát vọng Cửu Long Giang”
Bảo Như - 12/01/2022 18:03
 
Những hạng mục phụ trợ cuối cùng trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được chủ đầu tư lắp đặt, hoàn thiện kịp thông xe trước Tết Nhâm dần, góp sức vào sự phát triển của ĐBSCL.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã sẵn sàng cho ngày thông xe,
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã sẵn sàng cho ngày thông xe

Hành trình 12 năm của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là chặng đường trải đầy gian khó, trong đó có gần 10 năm dưới sự quản lý điều hành của nhà đầu tư cũ, yếu kém, sai phạm đã dẫn đến “đổ bể” và lao lý cả một đội ngũ quản trị.

Dự án này chỉ thực sự chuyển mình kể từ thời điểm Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị điều hành. Với hàng loạt các giải pháp, biện pháp đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và thành công qua hàng loạt các dự án xây dựng hạ tầng giao thông của tập đoàn này, những vướng mắc, trở lực và tồn đọng của Dự án tuần tự được cắt bỏ, mở đường hanh thông cho công trình tăng tốc băng băng về đích.

Nếu ví tiến độ Dự án như đường chạy tiếp sức, thì khi những “người Đèo Cả” nhận gậy từ “đồng môn” đã bỏ cuộc để tiếp tục đường đua nước rút thực sự là giai đoạn gian nan trùng điệp, nhất là trong bối cảnh xã hội, thế giới đang phủ đầy bóng đen mang tên Corona virus (Covid- 19).

Trong 2 năm qua, có giai đoạn dịch Covid- 19 tấn công trực diện vào ban điều hành, các lán trại nơi hàng trăm kỹ sư, người lao động trên công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với 40 cán bộ và người lao động của dự án là F0, trong đó có cả Phó Chủ tịch HĐQT và một số chỉ huy công trường.

“Tháng 6/2021 thời điểm căng nhất tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hàng trăm nhân sự là F0, F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại chỗ, một số gói thầu phải tạm ngưng thi công, việc cung ứng vật liệu tê liệt do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội”, ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kể lại.

Khi dịch bùng phát tại tỉnh Tiền Giang vào tháng 6/2021 cũng là lúc nguồn vắc xin phòng Covid-19 trong cả nước đang khan hiếm. Để giữ công trường không bị gián đoạn, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng với tỉnh Tiền Giang chủ động kiến nghị Bộ Y tế phân bổ nguồn vắc xin cho người lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được báo cáo mang tính cấp thiết, cảm thông với lịch sử trắc trở và tình huống khẩn cấp của dự án, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ vắc xin cho người lao động tại Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Điều này đã giúp giải quyết nhanh nhất khâu phòng, chống lây nhiễm, ổn định và đảm bảo tiến độ đang thi công đang ở nhịp độ cao của dự án quan trọng này.

Cùng với đó, các kịch bản ứng phó trước các diễn biến khó lường đến từ ngoại cảnh đã được Tập đoàn Đèo Cả xây dựng để tránh sự bị động trong mọi tình huống.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo xây dựng hình thành các ê kíp độc lập nằm ở các khu vực khác nhau để kịp thời ứng cứu điều phối công việc, kiểm soát nhân sự tại chỗ, quyết liệt đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trong bối cảnh dịch bệnh... điều phối bổ sung nhân sự kịp thời từ miền Bắc, miền Trung vào Nam thay thể cho các nhân sự đang phải cách ly, với tinh thần không để các hoạt động trong toàn hệ thống không bị gián đoạn.

Theo ông Hồ Đình Chung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, diễn biến dịch Covid- 19 quá phức tạp khó lường, tuy nhiên không vì vậy mà nản lòng. Lúc đó, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng “sống chung với dịch bệnh”.

“Tại thời điểm đó, các ca khúc “Khát vọng Cửu Long Giang” và “Vượt bão Corona” do Chủ tịch Tập đoàn Hồ Minh Hoàng viết, như một liệu pháp tinh thần, làm kim chỉ nam vượt khó, chống dịch và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà anh em chúng tôi đã hát vang ở mọi nơi, qua các không gian công trình trong giai đoạn đặc biệt này... Chính những ca từ, giai điệu ấy đã làm động lực thôi thúc chúng tôi hoàn thành mục tiêu kép, vừa hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa tổ chức thi công hoàn thành công trình", ông Chung nhớ lại.

Bên cạnh đó, việc các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình triển khai các gói thầu của Dự án.

Để tiếp cận và vận chuyển vật liệu vào được công trường của dự án các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do phải thường xuyên qua lại giữa các điểm chốt phòng dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các điểm chốt phòng dịch ở các tỉnh phụ cận khác.

“Chúng tôi đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và phối hợp với các Trung tâm y tế nơi dự án đi qua để thực hiện test nhanh Covid - 19 theo định kỳ 3 ngày/1 lần, test cho người lao động tham gia thi công, nhằm đáp ứng các điều kiện phòng dịch của địa phương, đồng thời không làm gián đoạn nguồn cung vật liệu, vận chuyển... ảnh hưởng đến tiến độ thi công”, ông Chung nói.

Vượt qua hàng loạt nghịch cảnh nhưng đầu năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã “bàn giao” cầu Cửa Lục 1, hầm Bao biển cho tỉnh Quảng Ninh và trong năm 2021 rất nhiều dự án/gói thầu trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam vẫn luôn rộn rã thanh âm lao động.

Tuy nhiên, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là vẫn là dự án đã giành được sự quan tâm và tập trung nguồn lực cao nhất từ phía Tập đoàn Đèo Cả .

“Đây là dự án mà trong bất kỳ cuộc họp giao ban nào cũng được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xác định là ưu tiên số 1, quan tâm số 1. Bởi Trung Lương - Mỹ Thuận là uy tín của Đèo Cả, là niềm tin của Chính phủ và kỳ vọng của hơn 21 triệu đồng bào ĐBSCL; vùng địa dư có vai trò quan trọng trong đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.

Theo đó, sự “quan tâm số 1” không chỉ bằng quyết tâm, ý chí mà thực hiện bằng các hành động cụ thể, như khi liên danh các nhà đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn về vốn do ảnh hưởng của đại dịch, Đèo Cả đã ứng vốn cho dự án tới 500 tỷ đồng để nhập vật liệu, chi phí nhân công... với một tinh thần “không để dự án vì thiếu tiền mà ngưng thi công, chậm tiến độ”.

Các vấn đề nan giải khác như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua vùng có cấu tạo địa chất với nền đất yếu, nạn xâm nhập mặn tại ĐBSCL khiến kỹ thuật thi công, con đường vận chuyển nguyên vật liệu đến với dự án thêm dài, thời gian thêm lâu và giá cả thêm đắt đỏ phát sinh chi phí.

“Chúng tôi đã chủ động mời các chuyên gia nghiên cứu và tiến hành xử lý kỹ thuật. Đối với việc giải quyết bài toán nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả leo thang, Ban Điều hành cũng đã chủ động tìm kiếm nhà cung cấp và ký kết hợp đồng bình ổn giá. Việc tranh chấp giữa các đơn vị trong quá khứ, tình trạng thông đồng giữa các nhà thầu, các nhà thầu không đủ nguồn lực, năng lực tham gia dự án cũng được rà soát loại bỏ…”, ông Nguyễn Tấn Đông nói.

Như một mệnh lệnh từ trái tim đối với hàng chục triệu đồng bào vùng Tây Nam Bộ và cũng là của cả nước, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực hết mình để thông tuyến, đồng thời đơn vị này cũng vừa gửi văn bản kiến nghị đến các bên liên quan để phối hợp tổ chức cho bà con cùng phương tiện giao thông lưu thông thuận tiện trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần.

"Đèo Cả bây giờ là lực lượng tiên phong, tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn nhưng đơn vị này vẫn duy trì được tiến độ và chất lượng thi công công trình, đặc biệt là việc “điều quân khiển tướng”, điều phối nhân sự, quản người… Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà doanh nghiệp này đã có được. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh làm đóng băng đa số các hoạt động nhưng Đèo Cả vẫn làm được, hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu hôm 25/10/2021 khi thăm dự án.

Một cổ đông đề nghị mua 20 triệu cổ phiếu HHV của Đèo Cả
PGS.TS Nguyễn Đình Hoà, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng y học tái tạo và tế bào gốc đề nghị mua 20 triệu cổ phiếu HHV của CTCP Đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư