Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp bách khơi dòng khách quốc tế hàng không và du lịch
Bảo Như - 20/12/2022 07:40
 
Việc thị trường quốc tế phục hồi chưa như kỳ vọng dù Việt Nam mở cửa rất sớm sau dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng bay tiếp tục chật vật xoay xở để tồn tại trong năm 2023.
Lý do chính khiến khách quốc tế chưa mặn mà với thị trường Việt Nam là chính sách visa du lịch đang rất cứng nhắc
Lý do chính khiến khách quốc tế chưa mặn mà với thị trường Việt Nam là chính sách visa du lịch đang rất cứng nhắc

Mất lợi thế mở cửa sớm

Tại sao Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022? Cần phải làm gì để dòng khách quốc tế tăng trưởng như kỳ vọng, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, hàng không phục hồi? Đó là những câu hỏi được mổ xẻ tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phát từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch” do Báo Nhân dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức cuối tuần trước.

Theo ông Chris Farwell, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Điều đáng tiếc là Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này khi chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.

“Chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa vẫn không thể bù đắp được số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch và hàng không”, ông Chris Farwell nhận định và thông tin, trước dịch Covid-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD trong số 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch Việt Nam tạo ra.

Được biết, mặc dù mở cửa chậm hơn Việt Nam, Thái Lan vẫn kịp đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD. Hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid-19, trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid-19.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu ví du lịch Việt Nam năm 2022 như một bộ quần áo thì hiện mới sắm được một nửa - thị trường nội địa, trong khi nửa còn lại - thị trường khách quốc tế vẫn rất khó khăn và u ám.

“Chúng ta nói nhiều về việc Trung Quốc chưa mở cửa, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản mở cửa chậm, nhưng vì sao nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ? Vì sao Việt Nam đứng cuối Bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Du lịch châu Á sau Covid-19? Đây là điều cần phải làm rõ và có giải pháp khắc phục sớm”, ông Thiên đặt vấn đề.

Việc không đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế cũng làm chậm đáng kể đà phục hồi của các hãng hàng không - một mắt xích rất quan trọng trong ngành du lịch.

Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet cho biết, năm 2022, thị trường nội địa của Việt Nam được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đánh giá là có tốc độ phục hồi nhanh nhất. Đến cuối quý IV/2022, sản lượng vận chuyển đã trở về mức trước dịch, trong đó trục TP.HCM - Hà Nội đang là đường bay bận rộn thứ tư thế giới. “Tuy nhiên, việc lượng khách quốc tế trong năm 2022 vẫn chỉ bằng 1/4 sản lượng năm 2019 với thị trường chủ lực Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về tài chính”, ông Phương phân tích.

Nút thắt chính sách visa

Theo đại diện TAB, lý do chính khiến khách quốc tế chưa mặn mà với thị trường Việt Nam là chính sách visa du lịch đang rất cứng nhắc. Tại thời điểm mở cửa với khách quốc tế, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày và gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua.

Trong khi đó, Thái Lan đang miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại, dù điều kiện dịch bệnh đã rất khác biệt.

“Trên thực tế, Việt Nam còn làm cho các thủ tục khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng khách quốc tế, mặc dù chúng ta đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. Du khách thường phàn nàn rằng, họ không thể dễ dàng xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của chúng ta như trước Covid-19”, đại diện TAB đưa ra thông tin.

Giám đốc điều hành Vietjet (đơn vị hàng không liên tục chủ động tìm kiếm nguồn khách quốc tế từ các thị trường mới, có nhiều tiềm năng để bù đắp sự giảm sút từ thị trường truyền thống) cho biết, hãng này rất kỳ vọng từ các đường bay kết nối Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, việc khách từ Ấn Độ đang gặp khó khăn khi xin visa du lịch vào Việt Nam đã làm hạn chế hiệu quả của đường bay.

Ngoài vướng mắc về visa du lịch, đại diện TAB cho rằng, Việt Nam chưa có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và khách sạn sau dịch Covid-19. Ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên hoặc cấp vùng, hay khách du lịch nội địa để “nuôi sống” ngành. Việt Nam cũng đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch.

“Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hàng không năm 2023 đều như người mới ốm dậy, cần rất nhiều hỗ trợ về cơ chế chính sách, đặc biệt là về dòng tiền để duy trì đội ngũ và đưa ra những sản phẩm du lịch mới, đủ sức hấp dẫn với du khách quốc tế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 21 lần trong 11 tháng năm 2022
Trong 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư