Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cấp điện nhấp nhổm lo vì mặt trời
Thanh Hương - 07/06/2019 14:41
 
Việc nhiều nhà máy điện mặt trời ồ ạt đi vào vận hành trước ngày 30/6 đang dẫn tới nguy cơ hệ thống điện toàn quốc căng mình lo vận hành ổn định.
Nhược điểm của các Dự án điện mặt trời là không có hệ thống pin lưu trữ. Trong ảnh:  Điện mặt trời Nam Việt Hưng (Phú Yên). Ảnh: Đ.T
Nhược điểm của các dự án điện mặt trời là không có hệ thống pin lưu trữ. Trong ảnh: Điện mặt trời Nam Việt Hưng (Phú Yên). Ảnh: Đ.T

Vận hành không ổn định

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 30/5, cả nước có 47 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.300 MW được đấu nối lưới điện quốc gia. Dự kiến trong tháng 6/2019 sẽ có thêm 49 dự án với tổng công suất khoảng 2.600 MW được đấu nối. Như vậy, Việt Nam sẽ có xấp xỉ 5.000 MW trong thời gian rất ngắn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, ở khía cạnh tích cực, hệ thống đã có thêm gần 2.000 MW bổ sung chỉ trong thời gian khoảng 2 năm. So với việc triển khai các nhà máy điện truyền thống khác cần khoảng 4 năm, thì tiến độ đầu tư này nhanh hơn hẳn.

Thống kê của A0 cũng cho hay, trong các tháng 4, 5, 6/2019, có tới 88 nhà máy điện mặt trời được đóng điện. Đây cũng là kỷ lục trong lịch sử ngành điện Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hiện nay là không đầu tư hệ thống pin lưu trữ, nên thời gian phát điện ngắn, không hỗ trợ được nhiều cho hệ thống lúc cao điểm.

Theo thống kê của A0 từ các dự án đã vận hành, công suất phát của điện mặt trời thay đổi từ 60 - 80% trong khoảng thời gian chỉ 5-10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết và do việc tập trung lượng lớn các dự án trong cùng một khu vực, nên sự biến động thường xảy ra đồng thời.

Điển hình là ngày 7/5, tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, khi đang vận hành 650 MW các nhà máy điện mặt trời thì đột ngột giảm xuống còn 200 MW do xuất hiện một đám giông. 

“Có ý kiến cho rằng, cần đầu tư thêm hệ thống pin lưu trữ để tăng hiệu quả điện mặt trời, nhưng ai sẽ là người đầu tư thì không biết. Các chủ đầu tư thì không dễ, vì tăng thêm chi phí. Ngoài ra, một số tổng công ty điện lực thuộc EVN cũng cho hay, tìm đất để đặt hệ thống pin cũng không có, chưa nói là các chi phí cho hệ thống này sẽ tính toán vào đâu lại không rõ ràng”, ông Cường chia sẻ.

Hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ

Với mức giá mua là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScent/kWh), kéo dài tới 20 năm, điện mặt trời đang đắt nhất trong các nguồn điện tại Việt Nam và cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện đang ở mức 1.868 đồng/kWh.

Dẫu vậy, đây mới chỉ là mức giá mua điện đầu nguồn, để đưa tới tay người tiêu dùng, sẽ còn phải có hàng loạt chi phí khác kèm theo.

Theo tính toán của EVN, chi phí truyền tải và phân phối hiện nay là 410 đồng/kWh. Tuy nhiên, do thời gian phát điện của điện mặt trời chỉ bình quân 1.900 giờ/năm, bằng 1/3 so với nguồn điện than truyền thống, nên tổng chi phí truyền tải cho phần điện mặt trời đến tay người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải là 1.230 đồng/kWh.

Cũng với thực tế nguồn điện mặt trời chỉ phát được bình quân 1.900 giờ/năm, trong khi số giờ của 1 năm là 8.600 giờ (365 ngày x 24 giờ), việc phải có các nguồn điện dự phòng khác, hệ thống pin lưu trữ để bổ sung kịp thời khi điện mặt trời bị tụt nguồn là điều bắt buộc phải có.

Hiện điện khí có giá khoảng 2.500 đồng/kWh, điện chạy dầu diesel có giá hơn 4.000 đồng/kWh (do giá dầu đang hạ) và tất cả các chi phí của hệ thống dự phòng này đều phải tính vào giá bán điện tới tay người tiêu dùng, khiến giá điện tiếp tục có nhiều áp lực phải tăng mạnh.

Một vấn đề nữa là dù hiện nay, các nhà máy điện mặt trời đều được EVN tạo điều kiện để khẩn trương đấu nối, kịp mốc thời điểm trước 30/6/2019 để hưởng mức giá điện 9,35 cent/kWh, nhưng do đường dây xây dựng không kịp, nên nhiều nhà máy mặt trời sẽ bị sa thải phụ tải.

Ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho hay, thời điểm năm 2016, đường dây Phan Rí - Ninh Phước có công suất tải 95 MW, chỉ có 2 dự án điện gió đấu nối vào là Tuy Phong (30 MW) và Phú Lạc (24 MW). Còn ở thời điểm tháng 6/2019, vẫn đường dây này, nhưng có thêm 13 dự án điện mặt trời khác được đấu nối vào. Tổng công suất của 15 dự án nói trên là hơn 500 MW. Nghĩa là quá tải hơn 80% công suất đường dây. Điều này khiến các nhà máy điện mặt trời chỉ có thể phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện rất ít so với khả năng sản xuất.

Chia sẻ thực tế này, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho hay, để đầu tư được đường dây 220 kV phải mất từ 3 - 5 năm, còn với đường dây 500 kV, thời gian còn dài hơn. “Lâu nhất là các thủ tục đất đai, đất rừng... phải xin ý kiến Chính phủ nên thời gian thực hiện đấu nối sẽ dài hơn”, ông Võ Quang Lâm nói.

Thực tế này cũng dự báo nhiều chủ đầu tư điện mặt trời sẽ khóc vì không phát được lên lưới điện.

49 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.600 MW được đấu nối vào lưới điện trong tháng 6
Theo lãnh đạo EVN, đến cuối tháng 5/2019 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia và dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư