Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
CEO Lee&Man: Nhà máy cần bổ sung hạng mục để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường
Nguyên Đức - 02/11/2016 14:43
 
Ông Patric Chung, Tổng giám đốc điều hành Công ty Sản xuất giấy Lee&Man Việt Nam khẳng định, Lee&Man sẽ tuân thủ mọi quy định pháp luật của Việt Nam và đảm bảo nhà máy của Công ty ở Hậu Giang sẽ “an toàn tuyệt đối cho môi trường”.

Phát biểu tại cuộc họp báo liên quan tới hoạt động của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man ở Hậu Giang, mà dư luận gần đây quan ngại sẽ ảnh hưởng tới môi trường, ông Patric Chung, Tổng giám đốc điều hành Công ty Sản xuất giấy Lee&Man Việt Nam khẳng định, Lee&Man sẽ tuân thủ mọi quy định pháp luật của Việt Nam và đảm bảo nhà máy của Công ty ở Hậu Giang sẽ “an toàn tuyệt đối cho môi trường”.

“Chúng tôi tin tưởng hệ thống pháp luật Việt Nam và đứng đây để cam kết, sẽ tuân thủ các quy định đó. Ngài Thủ tướng đã gửi thông điệp về việc Chính phủ Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường để lấy phát triển, chúng tôi hoàn toàn tán thành, chia sẻ và ủng hộ quan điểm này”, ông Patric Chung nói.

.
Ông Patric Chung, Tổng giám đốc điều hành Công ty Sản xuất giấy Lee&Man Việt Nam 

Tại Việt Nam, Lee&Man đã đăng ký đầu tư hai dự án, bao gồm một nhà máy bột giấy vốn đầu tư 349 triệu USD và một nhà máy giấy bao bì, vốn đầu tư 280 triệu USD. Hiện tại, Dự án Giấy bao bì đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền sản xuất, kho thành phẩm, bến cảng chuyên dùng, khu hải quan, nhà kho, hệ thống xử lý nước thải giai đoạn I công suất 20.000 m3/ngày đêm và hoàn thành tổ máy số 1, công suất 50 MW của nhà máy điện.

Trong khi đó, do những thay đổi về nhu cầu thị trường, Dự án Bột giấy hiện chưa được triển khai.

“Nhà máy xử lý nước thải của chúng tôi sử dụng công nghệ xử lý hóa sinh và sinh hóa 3 bậc. Nước sau xử lý bậc 2 đã đạt tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam. Để tăng thêm tính an toàn, Lee&Man đã đầu tư hệ thống tuyển nổi và bể lọc vải xử lý nước bậc 3. Một hồ sinh thái với thể tích 40.000 m3 cũng đã được xây dựng. Tất cả để đảm bảo nước thải được xử lý thậm chí còn cao hơn cả tiêu chuẩn hiện tại của Việt Nam”, ông Patric Chung nói.

Trong khi đó, liên quan đến lo ngại của dư luận về việc quy trình sản xuất của nhà máy sẽ thải xút ra môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực sông Hậu, có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Patric Chung đã nhắc đến sự khác nhau giữa sản xuất giấy bao bì và bột giấy để khẳng định, trong quy trình sản xuất giấy bao bì, xút được sử dụng rất ít, ở mức khoảng 1 tấn/ngày để trung hoà độ pH của nguyên liệu.

“Khi sử dụng vào quy trình này, xút sẽ phản ứng với các chất khác, vì vậy, sẽ không còn xút sau qúa trình sản xuất nữa. Hoàn toàn không có xút xả ra môi trường lẫn trong nước thải”, ông Patric Chung nói và cũng cho biết, nếu nhà máy bột giấy được xây dựng thì Lee&Man sẽ xây dựng một hệ thống xử lý nước thải khác.

Liên quan tới dự án của Lee&Man, một trong những điểm khiến dư luận quan tâm trong thời gian qua, đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của Dự án, ông Patric Chung cho biết, báo cáo ĐTM đã lập năm 2008 vẫn còn hiệu lực và đã được cập nhật một số hạng mục, thông tin  theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Do chưa triển khai nhà máy bột giấy, nên Lee&Man sẽ tách riêng báo cáo ĐTM của nhà máy giấy bao bì. Và hiện, báo cáo ĐTM này hiện đang được hoàn tất và sẽ sớm trình cho các cơ quan chức năng.

“Nhà máy của chúng tôi đang hoàn tất lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị để sớm chạy thử và đi vào sản xuất giấy bao bì cứng với nguyên liệu chính là từ giấy tái chế và bột giấy. Chúng tôi sẽ chạy thử nhà máy sau khi được sự đồng ý của các cơ quan chức năng Việt Nam”, ông Patric Chung khẳng định.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, chậm trễ trong triển khai và thời gian gần đây nhà đầu tư đến từ Hồng Kông mới tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, chưa đi vào hoạt động, dự án này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đỉnh điểm là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau sự cố của Formosa, đã có văn bản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Dự án Lee&Man, đồng thời chỉ đạo yêu cầu thực hiện đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của Nhà máy Lee&Man, bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.

Lý do được VASEP đưa ra là vì lo ngại dự án này sắp đi vào hoạt động ở bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong) có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công thương thậm chí cũng đã xem xét việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng dự án này do ô nhiễm môi trường. Điều này càng khiến dư luận quan ngại.

Tuy nhiên, theo ông Patric Chung, những sự e ngại đó là do Lee&Man chưa chia sẻ và giải thích đầy đủ với công chúng.

Cuộc họp báo chiều ngày 1/11/2016 là cách để Lee&Man chia sẻ về những việc mà nhà đầu tư đang làm nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất của Công ty không gây hại đến môi trường.

“Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ cảm thông với việc chúng tôi đang tập trung cho giai đoạn hoàn thiện, lắp đặt, kiểm định thiết bị. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần bổ sung thêm một số hạng mục để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường khi công trình đi vào hoạt động”, ông Patric Chung nói.

Tuy vậy, đó chỉ là khẳng định một chiều từ phía Công ty Lee&Man. Điều quan trọng là sự kiểm tra và giám sát của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với việc tuân thủ pháp luật về môi trường của nhà đầu tư này.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương kiểm tra vụ việc Dự án nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư